PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam
Năm 1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, những năm đầu tiếp quản miền Bắc giải phóng, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương giữ gìn lực lượng, đấu tranh thực hiện những điều khoản cơ bản của Hiệp định Genève, từng bước hiệp thương thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình. Tuy nhiên, khi nhận thấy khả năng thực hiện các điều khoản của Hiệp định Genève khó thành hiện thực, Đảng LĐVN đã chuyển hướng đấu tranh, bồi dưỡng lực lượng, chuẩn bị cho một tình thế mới- chiến tranh kéo dài và leo thang.
Cần phải nói thêm rằng, dù bản Đường
lối cách mạng miền Nam (ra đời năm 1956) do Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn soạn
thảo có đề cập
đến sử dụng bạo lực cách mạng để giải quyết các nhiệm vụ của cách mạng miền
Nam, song hình thức đấu tranh vũ trang vẫn chưa được vận dụng. Trong hai năm 1957-1958,
trong các cuộc Hội nghị, khi đề cập đến cách mạng miền Nam, Đảng LĐVN có bàn về
xây dựng lực lượng, tổ chức các đội vũ trang, song hình thức, biện pháp đấu
tranh chủ yếu vẫn là bằng chính trị. Việc xây dựng, tổ chức các đơn vị vũ trang
vẫn được tiến hành song hết sức gọn nhẹ, có quy mô khiêm tốn, các hoạt động vũ
trang ở mức nhỏ lẻ. Khi các đợt khủng bố, thanh trừng của chính quyền Sài Gòn
được tiến hành khá rầm rộ, thì sự phản ứng của lực lượng cách mạng lại khá im ắng
và tình hình này kéo dài cho đến tận tháng 6- 1959. Báo cáo của Nha Tổng giám đốc Bảo an (chính quyền Sài Gòn) đã cho thấy
điều đó: “Việt cộng miền Nam đang sống
những phút hồi hộp, tinh thần bị giao động, đang chờ quyết định của thượng cấp
của chúng”[1].
Trong
khi cách mạng miền Nam đang ở trong tình thế “dầu sôi, lửa bỏng” rất cần những
quyết sách phù hợp, thì trong khối XHCN, giữa các đồng minh lớn của Việt Nam có
những bất đồng, mâu thuẫn gay gắt[2].
Tình hình đó ở
một mức độ nhất định không thể không tác động đến nội bộ Đảng LĐVN, đến tư duy,
chính kiến một số lãnh đạo cấp cao của Hà Nội. Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị Trung ương 15 họp thành
nhiều đợt và khi bàn về phương pháp tiến hành cách mạng ở miền Nam, có khá
nhiều luồng ý kiến khác nhau, quy về ba phương án: 1-Tiến hành đấu tranh vũ
trang; 2-Đấu tranh bằng phương pháp hòa bình dựa trên những điều khoản của Hiệp
định Genève;
3-Tiến hành khởi nghĩa từng phần[3].
Kết thúc họp đợt 1 (từ 12 đến
22-1-1959), Hội nghị vẫn chưa thống nhất được quan điểm và chưa ra được Nghị
quyết, cuối cùng quyết định tiếp tục nghiên cứu và sẽ kết luận vào kỳ họp đợt 2. Hai
đại biểu Xứ uỷ Nam Bộ là Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô ra báo cáo với Trung ương
đã phải chờ đợi hơn một năm mà chưa có nghị quyết nên đã xin trở về Nam Bộ. Giữa
hai đợt họp, Xứ ủy Nam Bộ liên tục báo cáo, phản ánh tình hình, chuyển đến
Trung ương Đảng LĐVN mong muốn và đề nghị được đứng lên đấu tranh.
Tháng 7-1959, Hội
nghị Trung ương lần thứ 15 họp đợt 2 và trên cơ sở thống nhất ý kiến qua hai đợt họp,
Hội nghị chính thức thông qua Nghị quyết. Nghị quyết viết: "Do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam, nước ta bị tạm thời chia
làm hai miền: Miền Bắc đã được giải phóng và độc lập hoàn
toàn, còn miền Nam vẫn là một thuộc địa (kiểu mới) của đế
quốc Mỹ"[4]. Hội nghị nêu lên hai mâu thuẫn
cơ bản mà cách mạng Việt Nam phải giải quyết: "1). Mâu thuẫn giữa một bên
là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ
phong kiến, và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị
ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt
Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân
dân miền Bắc và nhân dân miền Nam; 2). Mâu thuẫn
giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ
nghĩa ở miền Bắc"[5].
Nghị quyết phân tích: Đó là hai mâu thuẫn tính chất khác nhau, nhưng có quan hệ
biện chứng với nhau và tác động mạnh mẽ lẫn
nhau. Những mâu thuẫn này thể hiện sự đối kháng rất gay gắt giữa một
bên là lực lượng của dân tộc Việt Nam mong muốn
hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và một
bên là thế lực gây chiến và chia cắt đất nước
Việt Nam[6].
Nghị quyết còn nói rõ thêm: Đây đồng thời
cũng là những mâu thuẫn thể hiện sự đối kháng rất gay gắt giữa lực
lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc,
hoà bình, dân chủ trên thế giới với thế lực do
Mỹ cầm đầu ở khu vực Đông Nam Á
và Thái Bình Dương[7].
Để giải quyết hai mâu thuẫn nêu trên, Hội nghị Trung
ương lần thứ 15 nhận định rằng, cách mạng Việt
Nam có hai nhiệm vụ chiến lược: "Cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở
miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau,
nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh
hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm
phương hướng chung là giữ vững hoà bình, thực hiện thống
nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước
Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội"[8].
Nghị quyết làm rõ nội dung hai cuộc cách mạng đó; đồng thời, chỉ ra quan hệ biện
chứng giữa hai cuộc cách mạng ấy[9].
Khẳng định “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, nhân dân Việt Nam quyết
không chịu làm nô lệ và đứng lên tranh đấu đến cùng, giải phóng đất nước, thống
nhất non sông", Nghị quyết 15 xác định
con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính
quyền về tay nhân dân[10].
Con đường đó dựa vào sức mạnh của quần chúng, lực lượng chính trị của quần
chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Định hướng đó cho thấy
Nghị quyết Trung ương 15 chủ chương sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để
đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng
nhân dân. Nghị quyết cũng lường định về tính lâu dài, gian khổ của cách mạng miền
Nam, đặt ra yêu cầu phải tích cực xây dựng, củng cố và phát
triển lực lượng cách mạng, tạo điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy
thắng lợi[11]. Như vậy, Nghị quyết Trung ương 15 đã chỉ ra một cách toàn diện con đường tiến lên của cách mạng miền Nam,
xác định rõ đường lối, phương pháp cách mạng chung cả
nước và đặc biệt là của cách mạng miền Nam – với những nội dung quan trọng, thể
hiện sự chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng của Đảng LĐVN, Nghị quyết 15 được mệnh danh là "bó đuốc soi đường cho cách mạng
miền Nam", tạo ra bước chuyển về chất của cách mạng miền Nam, đưa cách mạng
miền Nam bước sang một giai đoạn mới.
Lưu ý thêm rằng, Nghị
quyết 15 được thông qua vào giữa tháng 7-1959, song tháng 9-1959, Trung
ương Đảng LĐVN vẫn chỉ thị Xứ ủy Nam Bộ chỉ sử dụng lực lượng vũ trang để
tự vệ, tuyên truyền, trừ gian, phục vụ nhiệm vụ chính trị, giành thắng lợi
chính trị, chứ chưa phải là giành thắng lợi quân sự[12]
và đến tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ mới nhận được điện của Ban Bí thư
Trung ương Đảng LĐVN về "Những nội dung
cơ bản của Nghị quyết 15”. Căn cứ vào diễn biến thực tế, Xứ ủy Nam Bộ đưa ra quan điểm: Cần thiết phải phát động phong trào đấu tranh
vũ trang mới duy trì được phong trào và phát triển ra các vùng khác; đồng thời,
đề nghị Trung ương “cần có ngay kế hoạch, vì để lâu lực lượng ta mất đi nhiều,
tinh thần quần chúng sa sút, sau này có muốn chuyển cũng khó"[13].
Quan điểm của Trung ương Đảng LĐVN là Xứ uỷ nghiên cứu, áp dụng Nghị quyết sát
hợp với hoàn cảnh Nam Bộ. Tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ họp Hội nghị lần thứ tư và quyết nghị: "Cần phải nhận rõ rằng:
mọi hoạt động võ trang hiện nay đều nhằm phục vụ cho phong trào đấu
tranh chính trị, hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu
tranh chính trị của quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành
chính quyền khi có đủ điều kiện và thời cơ thuận lợi”[14].
Hội nghị Xứ ủy quán triệt cần thấu suốt nguyên
tắc "sử dụng lực lượng võ trang hiện nay
chỉ là một chiến thuật để phục vụ chiến lược đấu tranh
chính trị của quần chúng, mở rộng sự sử dụng này có
tính chất chiến lược là sai lầm nhưng không sử dụng theo phương
châm chiến thuật kịp thời có mức độ thì
cũng không đúng"[15].
Trên
thực tế, từ nửa cuối năm 1959, ở nhiều vùng miền Nam, các đảng bộ đã chỉ đạo sử
dụng lực lượng vũ trang chống bắt bớ, lùng sục và hỗ trợ quần chúng nổi dậy, điển
hình là các trận đánh của Tiểu đoàn 502 và Đại đội 271 tại Giồng Thị Đam và Gò
Quản Cung (Đồng Tháp Mười, tỉnh Kiến Phong) vào ngày 26-9-1959 chống lại cuộc
càn quét cấp trung đoàn của quân đội Sài Gòn. Những tháng cuối năm 1959, ở các
huyện tả ngạn sông Tiền, một số xã vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây
Ninh, các lực lượng vũ trang đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền.
Sau
khi Hội nghị Xứ ủy lần thứ 4 kết thúc, Xứ ủy Nam Bộ tiếp tục kiến nghị với Trung ương không thể giữ hoạt động vũ
trang ở các vùng nông thôn căn cứ kháng chiến cũ ở mức võ trang tuyên truyền
như trước, mà cần phải nâng cao một bước hoạt động vũ trang, mở rộng và phát
huy hoạt động vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận để giành quyền
làm chủ. Ba tháng cuối năm 1959, Xứ uỷ tiếp tục chỉ đạo lực lượng vũ trang tiến
hành một số trận đánh ở một số xã vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây
Ninh, hỗ trợ nhân dân nổi dậy. Tại các tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường và một số địa
phương khác, Xứ ủy Nam Bộ và các đảng bộ đã chỉ đạo quần chúng đấu tranh
vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, tấn công một số đồn bốt và trụ sở
chính quyền địa phương. Tại tỉnh Kiến Phong, lực lượng vũ trang đã hạ bảy đồn,
giải phóng bảy xã. Tại tỉnh Kiến Tường, lực lượng vũ trang diệt đồn, giải phóng
nhiều thôn ấp, mở rộng các căn cứ Mỹ An, Cao Lãnh thành thế liên hoàn lên sát
biên giới Campuchia. Tại Bến Tre, được sự hỗ trợ của các đội vũ trang tự vệ, quần
chúng các xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh nổi dậy giành chính quyền. Từ
huyện Mỏ Cày, cuộc "Đồng khởi" của nhân dân Bến Tre đã lan rộng sang
các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú.
Làn sóng nổi dậy đồng loạt nhanh chóng lan rộng và dâng cao ở các
tỉnh miền Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Đảng
bộ các cấp ở nhiều nơi lãnh đạo nhân dân vùng lên diệt ác ôn, đánh đồn bốt, làm
chính quyền ở nhiều thôn, xã mất quyền kiểm soát, làm chủ nhiều khu vực ở rừng
núi và nông thôn. Nhiều làng xã thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và
phát triển lực lượng vũ trang tạo nên một hình thức căn cứ địa, có nơi hình
thành thế liên hoàn bao gồm các vùng giải phóng và vùng du kích. Phong trào đấu
tranh chính trị phát triển nhanh chóng: Nếu như năm 1957, có 2 triệu lượt người tham gia đấu tranh
chính trị, thì đến năm 1958 đã có tới 3,7 triệu lượt người; sang năm 1959, đã
lên tới gần 5 triệu; năm 1960, có hơn 10 triệu lượt người và năm 1961 đã lên tới
33 triệu lượt người.
Giữa
lúc phong trào "Đồng khởi" của nhân dân Bến Tre đang sôi sục, đêm
26-1-1960, theo kế hoạch đã định trước, lực lượng vũ trang cách mạng tấn công
căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 tại Tua Hai, huyện Châu Thành (Tây Ninh) -
một cứ điểm lớn án ngữ hai mặt biên giới Việt Nam – Campuchia. Đây là trận thắng
lớn đầu tiên của các lực lượng vũ trang Nam Bộ, một điển hình của "Đồng khởi"
bắt đầu từ đòn tiến công quân sự phối hợp với nổi dậy của quần chúng. Khởi
nghĩa giành quyền làm chủ ở nông thôn đã thúc đẩy phong trào đồng khởi phát triển
mạnh mẽ và lan rộng. Thắng lợi của đợt 1 "Đồng khởi" đã tạo bước ngoặt
căn bản cho phong trào cách mạng ở Nam Bộ cũng như phong trào cách mạng toàn miền
Nam, đẩy chính quyền Sài Gòn vào thời kỳ khó khăn, khủng
hoảng.
Như vậy, dưới ánh
sáng của Nghị quyết 15, phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng và phát triển
đồng loạt vào tháng 9-1960 trên khắp miền Nam: từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến
các tỉnh miền Tây đồng bằng Khu 5, cách mạng đã làm chủ một vùng căn cứ rộng lớn,
có ý nghĩa chiến lược; đồng thời, đã thúc đẩy quần chúng ở các đô thị, đặc biệt
là Sài Gòn - Gia Định, đứng lên đấu tranh mạnh mẽ. Nhân dân miền Nam đã nhất tề
nổi dậy bằng nhiều phương pháp khởi nghĩa cực kỳ phong phú, sáng tạo, làm tan
rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở xã, ấp, thôn, bản. Phong
trào Đồng khởi (1959 - 1960) đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Đảng bộ miền Nam
khôi phục, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân; đồng thời, thành lập hệ
thống chỉ huy quân sự các cấp; khôi phục, mở rộng các căn cứ địa cách mạng.
Cách mạng miền Nam đã vượt qua những thử thách nghiêm trọng nhất, chuyển từ thế
giữ gìn lực lượng sang thế tiến công – đây là một bước nhảy vọt về chất, tạo ra
những tiền đề vô cùng quan trọng cho những thắng lợi tiếp theo sau này.
[1]
Bản Tổng kết tin tức tháng 6-1959 của Nha Tổng giám đốc Bảo
an, hồ sơ
5795, phông ĐICH, Trung tâm Lưu trữ Trung ương II.
[2]
Đối với cách mạng Việt
Nam, bị chi phối bởi tư tưởng “ba hòa”, “chung sống hòa bình”, Liên Xô muốn
Việt Nam giữ nguyên hiện
trạng, e ngại nếu Việt Nam đẩy cuộc đấu tranh ở miền Nam lên cao, "một đốm
lửa đốt cháy cả cánh rừng". Về phía Trung Quốc, kiên trì thuyết phục Việt
Nam “trường kỳ mai phục”, Mao Trạch Đông nêu quan điểm: “Tình trạng nước
Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần
phải trường kỳ... Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm” (Sự thật
về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua (In lần thứ hai), Nxb. Sự thật, Hà Nội,
1981, tr. 37).
[3]
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch
sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008,
tr.197.
[4]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 59.
[5]
Đảng Cộng sản Việt
[6]
Đảng Cộng sản Việt
[7]
Đảng Cộng sản Việt
[8]
Đảng Cộng sản Việt
[9]
Đảng Cộng sản Việt
[10]
Đảng Cộng sản Việt
[11]
Đảng Cộng sản Việt
[12]
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch
sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Sđd, tr.186.
[13]
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch
sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Sđd, tr.187.
[14]
Đảng Cộng sản Việt
[15]
Đảng Cộng sản Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!