PGS.TS. Hồ Khang,Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong hai năm 1959-1960, ở miền Nam Việt Nam đã diễn ra một phong trào đấu tranh sục sôi và rộng khắp dưới tên gọi "Đồng khởi" – một phong trào thể hiện ý chí phản kháng mãnh liệt của quân và dân miền Nam đối với chế độ Việt Nam cộng hòa và lực lượng can thiệp Mỹ. Đặc biệt, sức mạnh, quy mô, mức độ và tầm ảnh hưởng, tác động của Đồng khởi đã không chỉ làm lung lay gốc rễ của chế độ Sài Gòn, mà còn góp phần quan trọng làm phá sản các hoạch chiến tranh của Mỹ Sau Hiệp định Geneva, tình hình miền Nam Việt Nam có những thay đổi to lớn. Một chính phủ chống cộng và thân Mỹ ra đời với người đứng đầu là Ngô Đình Diệm - một người theo đuổi chủ nghĩa quốc gia.
Tháng 3-1955, sau khi củng cố quyền lực, Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt các giáo phái thân Pháp, thống nhất quân đội dưới quyền mình và đến cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm gần như kiểm soát hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Với những thuận lợi đó, tháng 12-1955, chính phủ Ngô Đình Diệm xóa bỏ tất cả các hiệp ước kinh tế, tài chính ký kết với Pháp trước đó, yêu cầu Pháp hủy bỏ Hiệp định Geneva, sau đó, Ngô Đình Diệm rút đại diện của Quốc gia Việt Nam ra khỏi Liên hiệp Pháp. Ngày 22-3-1956, chính phủ Pháp thỏa thuận với Quốc gia Việt Nam rút toàn bộ quân Pháp ra khỏi Việt Nam và đến ngày 26-4-1956, giải thể Bộ Chỉ huy quân sự Pháp tại Sài Gòn[1]. Năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý (cuộc trưng cầu dân ý bị tố cáo là gian lận), phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và đặt Ngô Đình Diệm vào vị trí Quốc trưởng. Tiếp đó, tháng 3-1956, bầu cử Quốc hội lập hiến được tổ chức và tháng 10-1956, bản Hiến pháp của Việt Nam cộng hòa được ban hành. Tháng 6-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã hoàn tất việc xây dựng quân đội, bảo an với lực lượng khá hùng hậu[2]. Trong vòng 2 năm (7-1954 đến 7-1956), dưới sự giúp đỡ của Mỹ, về cơ bản chính quyền Ngô Đình Diệm đã đánh sập toàn bộ cơ cấu thống trị của Pháp ở miền Nam Việt Nam, thay vào đó là một chế độ mới.
Sau khi thành lập chính phủ, Ngô
Đình Diệm đã trao cho các thành viên gia đình, bạn
bè và các đồng minh chính trị các vị trí lãnh đạo quan trọng trong chính phủ,
quân đội, doanh nghiệp và nhà thờ Công giáo, xây dựng nên một chế độ gia đình
trị hết sức điển hình. Chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành chính sách “cải
tiến nông thôn” và lập “khu dinh điền, khu trù mật” nhằm ổn định tình hình nông
thôn cũng như các địa bàn xung yếu dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh đó, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng các
phương pháp cứng rắn để chống lại những người kháng chiến, thực hiện chiến dịch tố cộng với các khẩu hiệu
như “đồng tâm diệt cộng”, "tiêu diệt cán bộ nằm vùng", “tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ
nội tâm”, “đạp lên oán thù để thực thi dân chủ, nhân vị quốc gia”, "tiêu diệt cộng sản tận
gốc", "giết
nhầm còn hơn bỏ sót”… Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Thấy cộng sản ở đâu là phải
bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay”[3]. Báo cáo của CIA (2-1957) mô tả chế độ Ngô Đình Diệm
như sau: “Một bộ mặt chính quyền đại diện cho dân được
duy trì, nhưng thực chất đó là một chính
quyền độc tài. Quyền lập
pháp của quốc hội bị hạn chế gắt gao, quyền tư pháp chưa phát triển, tùy
thuộc quyền hành pháp và những nhân viên trong ngành hành pháp không gì hơn là
những tay sai của ông Diệm. Không có một tổ chức đối lập nào, dù trung
thành hay không, được phép thành lập và mọi chỉ trích chính quyền đều bị đàn
áp... Quyền lực và trách nhiệm tập trung nơi ông Diệm và một nhóm nhỏ gồm có những
thân nhân của ông Diệm, những người quan trọng nhất là ông Nhu và ông Cẩn”[4].
Chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm dựa trên mạng lưới
mật vụ, tòa án quân sự và công chức tham nhũng, tuyên bố không những chiến đấu
chống cộng mà còn chống bất cứ nhóm nào không trung thành với Ngô Đình
Diệm và kết cục là nhiều người không cộng sản vào tù hơn là cộng sản. Theo số liệu của
CIA, từ năm 1955 đến năm 1960, đã có 48.250 người bị bắt bớ, tù giam[5],
còn theo tổng kết của Avro Manhattan thì có khoảng
24.000 người bị thương, 80.000 bị hành quyết hoặc bị ám sát, 275.000 người bị cầm
tù, thẩm vấn và khoảng 500.000 bị đưa đi các trại tập trung[6].
Theo số liệu của Việt Nam DCCH thì chỉ trong vòng 4 năm
(1955 - 1958) đã có gần 90 vạn người bị bắt tù đày, gần 20 vạn người bị tra tấn
thành tật[7]. Ngô Đình Diệm "đã biến thể chế tổng thống thành một nền độc tài Kitô
thực sự, nghiền nát tàn nhẫn các đối lập tôn giáo và chính trị"[8]. Theo đánh giá của người Mỹ thì Ngô
Đình Diệm là một kẻ độc
tài, một người Công giáo hiếu chiến và một
người bảo thủ trong quan hệ với những
người bất đồng chính kiến[9]. Có thể thấy rằng “mặc dù chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố
với thế giới đây là một nền dân chủ đang phát triển, nhưng thực chất đó là phản
dân chủ, chuyên quyền, tham nhũng và gia đình trị”[10]. Với những đặc tính đó, tình báo của Mỹ dự đoán rằng, “sự bất mãn và phẫn nộ đối với chính quyền có
lẽ sẽ tiếp tục tăng lên”[11].
Tháng 5-1959, Ngô Đình Diệm ban hành một đạo luật khét tiếng – Luật 10/59,
trao quyền cho các tòa án quân sự áp dụng án tử hình đối với bất kỳ ai thuộc lực
lượng Việt Minh, Đảng Lao động Việt Nam hoặc bất kỳ tổ chức cộng sản nào khác. Luật 10/59 đặt ra ngoài vòng pháp luật của các cựu chiến binh kháng
chiến và lực lượng đối lập, tạo điều kiện để các chiến dịch tố cáo và tiêu diệt
những người cộng sản được phát động trên khắp miền Nam Việt Nam. Dưới tác động
của Luật 10/9, cho đến ngày 19-2-1960, “có khoảng trên 16 ngàn người bị giam giữ
vì hành động phương hại đến an ninh công cộng”[12], nghĩa là trung bình “cứ 1.000 người dân thì có 2 người bị giam giữ”[13].
Tất cả tình hình đó
khiến bầu không khí chính trị ở miền Nam Việt Nam trở nên hết sức u ám và ngột
ngạt; đồng thời, như một hệ quả không mong muốn, đã nhóm lên các cuộc đấu tranh
chống lại của người dân, âm ỉ nhen lên trong lòng xã hội một lò lửa phản kháng
có thể bùng cháy mạnh mẽ bất cứ lúc nào.
Như đã nói ở trên, tình
hình miền Nam ngày càng trở nên căng thẳng bởi chính sách thanh trừng mà chính
quyền Ngô Đình Diệm thực hiện. Chính
sách đó dẫn đến “sự bất mãn của
quần chúng đối với Diệm cũng ngày càng gia tăng, bất kể là Diệm luôn toan tính
sử dụng mọi cơ hội để dập tắt sự bất mãn này”[14]. Thực
vậy, chống lại sự đàn áp, bắt bớ của chính quyền Ngô Đình
Diệm, ở nhiều địa phương của miền Nam Việt Nam liên tục diễn ra các cuộc khởi
nghĩa. Điển hình như ở Liên khu V, trong năm 1959 diễn ra các cuộc khởi nghĩa
Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ. Nhân dân các vùng miền Đông, miền Trung và
miền Tây Nam Bộ cũngg đồng loạt nổi dậy.
Trong khi cách mạng miền Nam đang ở vào trong tình thế “dầu sôi, lửa bỏng”, tháng 1-1959,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị
Trung ương 15 họp thành nhiều đợt và khi bàn về phương pháp tiến hành cách mạng
ở miền Nam, Hội nghị vẫn chưa thống nhất được quan điểm và chưa ra được Nghị
quyết, cuối cùng quyết định tiếp tục nghiên cứu
và sẽ kết luận vào kỳ họp đợt 2. Giữa hai đợt họp, Xứ ủy Nam Bộ liên tục báo
cáo, phản ánh tình hình, chuyển đến Trung ương Đảng LĐVN mong muốn và đề nghị
được đứng lên đấu tranh.
Tháng 7-1959, Hội nghị Trung ương
lần thứ 15 họp đợt 2 và trên cơ sở thống nhất ý kiến qua hai đợt họp, Hội nghị
chính thức thông qua Nghị quyết, xác định con đường phát triển cơ bản của cách
mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân[15].
Con đường đó dựa vào sức mạnh của quần chúng, lực lượng chính trị của quần
chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Định hướng đó cho
thấy Nghị quyết Trung ương 15 chủ chương sử dụng bạo lực cách mạng của quần
chúng để đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền
cách mạng nhân dân. Nghị quyết cũng lường định về tính lâu dài, gian khổ của cách mạng miền Nam, đặt ra yêu cầu phải tích cực
xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng,
tạo điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi[16]. Như vậy, Nghị quyết Trung ương 15 đã chỉ ra một cách toàn diện con đường tiến lên của cách mạng miền Nam,
xác định rõ đường lối, phương pháp cách mạng chung cả
nước và đặc biệt là của cách mạng miền Nam.
Lưu ý thêm
rằng, Nghị quyết 15 được thông qua vào giữa tháng 7-1959, song tháng 9-1959,
Trung ương Đảng LĐVN vẫn chỉ thị Xứ ủy Nam Bộ chỉ sử dụng lực lượng vũ trang để
tự vệ, tuyên truyền, trừ gian, phục vụ nhiệm vụ chính trị, giành thắng lợi
chính trị, chứ chưa phải là giành thắng lợi quân sự[17] và đến tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ mới nhận được
điện của Ban Bí thư Trung ương Đảng LĐVN về "Những nội dung cơ bản của Nghị quyết 15”. Căn cứ vào diễn biến thực
tế, Xứ ủy Nam Bộ đưa ra quan điểm: Cần thiết phải phát động phong trào đấu
tranh vũ trang mới duy trì được phong trào và phát triển ra các vùng khác; đồng
thời, đề nghị Trung ương “cần có ngay kế hoạch, vì để lâu lực lượng ta mất đi
nhiều, tinh thần quần chúng sa sút, sau này có muốn chuyển cũng khó"[18]. Quan điểm của Trung ương Đảng LĐVN là Xứ uỷ
nghiên cứu, áp dụng Nghị quyết sát hợp với hoàn cảnh Nam Bộ.
Trên tinh thần ấy, từ nửa cuối
năm 1959, ở nhiều vùng miền Nam, các đảng bộ đã chỉ đạo sử dụng lực lượng vũ
trang chống bắt bớ, lùng sục và hỗ trợ quần chúng nổi dậy, điển hình là các
trận đánh của Tiểu đoàn 502 và Đại đội 271 tại Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung
(Đồng Tháp Mười, tỉnh Kiến Phong) vào ngày 26-9-1959 chống lại cuộc càn quét
cấp trung đoàn của quân đội Sài Gòn. Tại tỉnh Kiến Phong, lực lượng vũ trang đã
hạ bảy đồn, giải phóng bảy xã. Tại tỉnh Kiến Tường, lực lượng vũ trang diệt
đồn, giải phóng nhiều thôn ấp, mở rộng các căn cứ Mỹ An, Cao Lãnh thành thế
liên hoàn lên sát biên giới Campuchia. Những tháng cuối năm 1959, ở các huyện
tả ngạn sông Tiền, một số xã vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh, các
lực lượng vũ trang đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền. Tại Bến Tre, được sự
hỗ trợ của các đội vũ trang tự vệ, quần chúng các xã Định Thuỷ, Phước Hiệp,
Bình Khánh nổi dậy giành chính quyền. Từ huyện Mỏ Cày, cuộc "Đồng
khởi" của nhân dân Bến Tre đã lan rộng sang các huyện Giồng Trôm, Châu
Thành, Ba Tri, Thạnh Phú.
Làn
sóng nổi dậy đồng loạt nhanh chóng lan rộng và dâng cao ở các tỉnh miền
Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Đảng bộ các cấp
ở nhiều nơi lãnh đạo nhân dân vùng lên diệt ác ôn, đánh đồn bốt, làm chính quyền
ở nhiều thôn, xã mất quyền kiểm soát, làm chủ nhiều khu vực ở rừng núi và nông
thôn. Nhiều làng xã thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển lực
lượng vũ trang tạo nên một hình thức căn cứ địa, có nơi hình thành thế liên
hoàn bao gồm các vùng giải phóng và vùng du kích. Phong trào đấu tranh chính trị
phát triển nhanh chóng: Nếu như năm 1957, có 2 triệu lượt người tham gia đấu tranh
chính trị, thì đến năm 1958 đã có tới 3,7 triệu lượt người; sang năm 1959, đã
lên tới gần 5 triệu; năm 1960, có hơn 10 triệu lượt người và năm 1961 đã lên tới
33 triệu lượt người.
Giữa lúc phong trào Đồng khởi của
nhân dân Bến Tre đang sôi sục, đêm 26-1-1960, theo kế hoạch đã định trước, lực
lượng vũ trang cách mạng tấn công căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 tại Tua
Hai, huyện Châu Thành (Tây Ninh) - một cứ điểm lớn án ngữ hai mặt biên giới
Việt Nam – Campuchia. Đây là trận thắng lớn đầu tiên của các lực lượng vũ trang
Nam Bộ, một điển hình của "Đồng khởi" bắt đầu từ đòn tiến công quân
sự phối hợp với nổi dậy của quần chúng. Khởi nghĩa giành quyền làm chủ ở nông
thôn đã thúc đẩy phong trào Đồng khởi phát triển mạnh mẽ và lan rộng. Thắng lợi
của Đồng khởi đã tạo bước ngoặt căn bản cho phong trào cách mạng ở Nam Bộ cũng
như phong trào cách mạng toàn miền Nam, làm tan rã từng mảng hệ thống chính
quyền cơ sở. Đến cuối năm 1960, “khoảng 2/3 cơ cấu chính quyền địch ở cơ sở tan
rã. Nông dân đã giành chính quyền, làm chủ và lập ra chế độ tự quản ở 1.383 xã”[19]. Có những nơi như ở Đồng Tháp mười, 80% tề ấp bị tan rã. Ở nhiều nơi
(Long An, Tây Nguyên…), nhiều cán bộ chính quyền cấp cơ sở đồng loạt viết đơn
xin nghỉ việc. Đánh giá về tình hình bi thảm đó, báo cáo của CIA đã thống kê:
Trong thời gian 6 tháng qua (cuối năm 1960), hơn một nửa toàn bộ vùng nông thôn
phía Nam, Tây Nam Sài Gòn cũng như một số vùng ở phía Bắc đã nằm dưới sự kiểm
soát của cộng sản[20]. Đồng khởi cũng góp phần làm nảy sinh và khoét sâu thêm bất đồng trong
nội bộ chính quyền VNCH cũng như giữa VNCH và Mỹ. Chính
quyền Kennedy bắt đầu đổ lỗi cho sự bất tài của Ngô Đình Diệm vì sự thất bại
của chính quyền Nam Việt Nam, hối thúc Ngô Đình Diệm loại bỏ Ngô Đình
Cẩn. Đồng khởi còn làm suy yếu quân đội Sài Gòn thông qua số lượng lớn
binh sĩ đảo ngũ hoặc phản chiến, đẩy chính quyền Sài Gòn vào thời kỳ khó khăn, bất
ổn.
Để giúp chính quyền
Ngô Đình Diệm đối phó với khủng hoảng, sau khi lên nhậm chức vào tháng 1- 1961, Kennedy đã tăng số cố vấn Mỹ cho QLVNCH lên
đến 800 người, bắt đầu Chương trình Ấp chiến lược với hy vọng rằng, nếu
VNCH giành được sự ủng hộ của các làng thì lực lượng thuộc Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam có thể bị đánh bại. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ và
chính quyền Sài Gòn tiếp tục vấp phải sự bài xích của nhân dân, chịu sự thất bại
nặng nề. Ấp chiến lược – kỳ vọng cách ly dân chúng khỏi Quân giải phóng chẳng
những không hoàn thành được sứ mệnh của mình, mà còn nhanh chóng bị phá banh,
khiến kế hoạch này bị thay đổi nhiều lần rồi đi đến phá sản. Mỹ và chính quyền
Sài Gòn đã không thể nhanh chóng bình định nông thôn Việt Nam.
Như
thế, những năm đầu chiến tranh Việt Nam, được sự hỗ trợ của Mỹ và cùng với Mỹ,
chính quyền Sài Gòn đã đưa ra các chiến lược, các kế hoạch chiến tranh khác
nhau nhằm mục tiêu bình ổn tình hình chính trị - xã hội miền Nam Việt Nam, xây
dựng một chính phủ thân Mỹ, sát cánh bên cạnh Mỹ ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản.
Tuy nhiên, chính những chính sách rốt ráo và tàn bạo chống cộng của chính phủ
Ngô Đình Diệm và Mỹ đã gây ra một hiệu ứng ngược, dẫn đến phong trào Đồng khởi
sục sôi, cuốn phăng nhiều cơ sở, nền tảng cả về chính trị, quân sự và xã hội mà
chính quyền Sài Gòn dầy công vun đắp. Tác động to lớn và mạnh mẽ của Đồng khởi
không chỉ khiến những kế hoạch, những chiến lược chiến tranh mà Mỹ và chính quyền
Sài Gòn đề ra bị phá sản hoàn toàn, mà những chiến lược thay thế sau đó cũng tiếp
tục rơi vào thảm kịch, dẫm phải vết xe đổ trước đó. Điều này thêm một lần nữa
khẳng định lại và khẳng định thêm những thắng lợi to lớn của Đồng khởi cũng như
ý nghĩa to lớn, quan trọng của nó trong những năm đầu tiên của cuộc chiến hết sức
khốc liệt mà nhân dân Việt Nam buộc phải đương đầu. Nó cũng cho thấy rằng, như
một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi mắt xích của rất nhiều sự kiện mang tầm
ảnh hưởng có tính bước ngoặt trong tiến trình chống Mỹ, cứu nước, Đồng khởi đã
trở thành những nấc thang đầu tiên trên con đường đi đến chiến thắng trọn vẹn
sau này của nhân dân Việt Nam.
[1] Archimedes L.A Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr. 744.
[2] Lục quân có 4 sư
đoàn dã chiến, 6 sư đoàn khinh chiến, 13 trung đoàn địa phương, 5 trung đoàn giáo phái, 1 trung đoàn dù. Pháo
binh có 7 tiểu đoàn và 9 đại đội. Cơ giới- kỹ thuật có 5 trung đoàn, công binh
có 6 tiểu đoàn, 14 đại đội, vận tải có 12 đại đội . Không quân với 100 chiếc máy bay chiến đấu, 132 chiếc dự trữ;
xây dựng 4 sân bay lớn ở Phú Bài, Đà Nẵng, Nha Trang, Tân Sơn Nhất và 58 sân
bay nhỏ rãi rác ở khắp nơi. Lực lượng hải
quân có 121 tàu chiến trên sông, 25 tàu chiến trên biển, 96 tàu của lực lượng ở
các căn cứ.
[3] Marilyn
B. Young: The Vietnam Wars 1945-1990,
Harper Perennial, Reprint edition, 1991, p.297.
[4] The Pentagon Papers, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam,
1954-1960" , Boston: Beacon Press, 1971.
[5] The Pentagon Papers, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam,
1954-1960" , Boston: Beacon Press, 1971.
[6] Avro
Manhattan: Vietnam Why Did We Go? The shocking Story of
the Catholic "Church's" Role in Starting the Vietnam War, Ibid, p.89.
[7] Tổng
kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H,
1996, tr. 42.
[8] Avro
Manhattan: Vietnam Why Did We Go? The shocking Story of
the Catholic "Church's" Role in Starting the Vietnam War, Ibid, p.56.
[9] Walter L.Coleman and Michael Robinsonw: U.S. Battling Peasant Revolt in
Vietnam, The Harvard Crimson, February 19, 1965.
[10] Jennifer Llewellyn, Jim Southey,
Steve Thompso: South Vietnam under Ngo
Dinh Diem, Alphahistory.com
[11] Neil Sheehan: Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1990, tập 1, tr. 250.
[12] Hồ
sơ số 6518, Phông Phủ Thủ tưởng Đệ nhất Cộng hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc
gia II.
[13] Hồ
sơ số 6518, Phông Phủ Thủ tưởng Đệ nhất Cộng hòa, Tlđd.
[14] Thomas D. Boettcher: Vietnam:
The Valor and the Sorrow, Little
Brown & Company, Boston, 1985, p.150.
[15] Đảng Cộng sản Việt
[16] Đảng Cộng sản Việt
[17] Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử
biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008,
tr.186.
[18] Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử
biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Sđd, tr.187.
[19] Cao Văn Lượng, Phạm Cao Toàn, Quỳnh
Cơ: Tìm hiểu phong trào Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1981, tr. 76.
[20] The Pentagon Papers, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam,
1954-1960", Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!