PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử Quân sự
Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để đi tới thắng lợi cuối cùng, Đảng Lao động Việt Nam đã có những chủ trương và sự chỉ đạo linh hoạt nhằm vượt qua những thách thức, khó khăn, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi, từng bước xây dựng lực lượng, củng cố sức mạnh toàn diện về mọi mặt. Một trong những minh chứng điển hình, cụ thể của sự linh hoạt ấy là quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
1-Tháng 9-1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức, nhằm đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và đấu tranh
giải phóng miền Nam.
Về cách mạng miền Nam,
Đại hội chỉ ra rằng, nhân dân miền Nam không có con
đường nào khác ngoài con đường đánh đổ chế độ
độc tài phát xít của Mỹ – Diệm, giải phóng miền Nam[1].
Trên tinh thần "xây dựng miền
Bắc, chiếu cố miền Nam"[2], Đại hội nhấn mạnh: Sự lớn mạnh không ngừng
của miền Bắc sẽ nâng cao lòng tin tưởng và cổ
vũ tinh thần hăng hái cách mạng của đồng bào yêu nước
ở miền Nam[3].
Đặc biệt, từ sau khi
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (1960), tình hình so sánh
lực lượng đã thay đổi đáng kể, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh vũ trang của
nhân dân miền Nam tiến lên một bước mới. Nắm bắt tình hình, quán triệt quan điểm của Đại hội III, ngày
24-1-1961, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định "đẩy mạnh đấu tranh vũ trang
lên song song với
đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị
và quân sự”[4]. Tiếp đó, ngày 31–1–1961, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Phương
hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”, khẳng định cần
“tập trung sức xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tiếp tục đấu
tranh bằng mọi hình thức để đánh địch từng bước, tiến lên đánh đổ hoàn
toàn"[5].
Những quan điểm trên đây của Đảng Lao động Việt Nam trở thành một trong những
tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau các bước chuẩn bị
đầy đủ và kỹ càng, ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ (miền Đông Nam Bộ), Quân Giải
phóng miền Nam Việt Nam ra đời trên cơ sở thống
nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam, bao gồm lực lượng ở lại không đi tập kết,
lực lượng mới tham gia tại chỗ và lực lượng đi tập kết đã quay lại miền Nam hoạt
động. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là một giải pháp nhằm hóa giải
những điều kiện bất lợi cho cách mạng tại Hiệp định Genene[6].
Vì thế, về mặt pháp lý, Quân Giải phóng miền Nam có vị thế tương đối độc lập với
Quân đội nhân dân Việt Nam, song về thực chất, đây là lực lượng nòng cốt của
các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, chịu sự lãnh đạo tối cao từ
trên xuống của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương
Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng
Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cùng với sự ra đời của
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, cơ quan chỉ huy lực lượng vũ trang được thiết
lập từ Miền đến xã, theo hệ thống dọc. Từ đây, các lực lượng vũ trang tự vệ
tuyên truyền và lực lượng vũ trang tuyên truyền vốn ra đời từ phong trào đấu
tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đã phát triển thành Quân Giải phóng miền
Nam Việt Nam. Quân Giải phóng được tăng cường lực lượng cán bộ tập kết về, được
huấn luyện về chính trị - quân sự, phát triển lực lượng gồm ba thứ quân (bộ đội
chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích).
2-Ngay sau khi ra đời, Quân Giải phóng miền Nam đã phải
đương đầu với những thử thách to lớn – Mỹ đưa ra và thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, hy
vọng giành thế chủ động, nhằm“bình định” xong miền Nam trong vòng 18 tháng. Trong
điều kiện đó, tác chiến lực lượng chủ lực của Quân Giải phóng ngày càng quan trọng
- giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt những bộ phận sinh lực lớn và
quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến trường. Một trong số những
yếu tố đảm bảo cho các lực lượng chủ lực phát huy vai trò và hiệu lực trên chiến
trường là phải được đảm bảo hậu cần, quân số, trang thiết bị vũ khí...
Nhận thức rõ yêu cầu nói trên, từ tháng 3 đến tháng
5-1961, Bộ Tổng tham mưu tập trung lập Đề án “Tổ chức và chuẩn bị lực lượng
cho kế hoạch miền Nam” và Đề án “Trang bị cho chiến trường miền Nam”.
Đây là hai đề án đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu tập đối với chiến trường; đồng
thời, là hai Đề án có ý nghĩa đặc biệt đối với sự lớn mạnh của Quân giải phóng.
Theo các Đề án này, Bộ Tổng tham mưu dự định tổ chức cho miền Nam các lực lượng
tập trung, các đại đội độc lập, đơn vị bảo đảm, cơ sở quân y, quân giới,
tiếp tế, vận tải, các tiểu đoàn pháo độc lập và một số đại đội công binh, đặc
công, cao xạ, thông tin[7].... Phương châm bảo đảm vật chất cho Quân
Giải phóng miền Nam là “phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh, đồng thời
miền Bắc tích cực giúp đỡ cho chiến trường miền Nam; tổ chức hệ thống tiếp tế
chặt chẽ”[8].
Về
trang bị cho chủ lực miền Nam, Bộ Tổng tham mưu xác định phải gọn nhẹ, đáp ứng
yêu cầu “dễ cơ động, có hỏa lực khá mạnh để đánh gần, tiến hành nâng trang bị dần
từng bước phù hợp với khả năng của miền Bắc”[9]. Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh cần hết sức
chú ý trang bị những loại vũ khí mà địch đang hoặc sẽ sử dụng để miền Nam có thể
tự túc được phần lớn đạn dược; ngoài vũ khí còn phải trang bị đồng bộ phương tiện
chỉ huy, khí tài thông tin, sửa chữa vũ khí....Thực hiện mục tiêu này, Bộ Tổng
tham mưu đồng thời nghiên cứu, đề xuất các kế hoạch trình Quân ủy Trung ương đề
nghị các nước XHCN viện trợ vũ khí, khí tài, giúp đỡ sản xuất một số bộ phận trọng
yếu của các loại trang bị như mìn, lưu đạn... cho Quân Giải phóng miền Nam. Tiếp
đó, Bộ Tổng tham mưu soạn thảo Chương trình công tác năm 1963, đề cập đến các vấn đề chi viện cho Quân Giải phóng, về tuyển quân, biên chế,
trang bị, huấn luyện và tổ chức hành quân; sửa chữa, bổ sung khí tài, chấn chỉnh
mạng lưới thông tin, đào tạo nhân viên[10]...,
nhằm phát triển Quân Giải phóng một cách toàn diện. Theo dự kiến của Bộ Tổng
tham mưu, thì để đáp ứng nhu cầu chiến đấu ngày càng cao, trong ba năm
1965-1967, lực lượng Quân Giải phóng có thể phát triển lên khoảng 15-20 vạn
quân, tổ chức 20 trung đoàn và một số sư đoàn; đồng thời, với lực lượng đó, cần
chuẩn bị thêm 6.500 cán bộ các cấp và 3.800 nhân viên kỹ thuật chuyên môn[11].
Tháng
5-1964, Thường trực Quân ủy Trung ương thông qua Đề án xây dựng lực lượng vũ
trang đến 1967, xác định rõ nguyên tắc chi viện cho Quân Giải phóng trên
tinh thần: Về trang bị, miền Nam “có khả năng tiếp nhận và sử dụng đến đâu đưa
vào đến đấy”[12]. Đặc biệt, Bộ Tổng tham
mưu chỉ đạo Cục Nghiên cứu kỹ thuật, Cục Quân giới soạn thảo và thực hiện các đề
án nghiên cứu kỹ thuật cho chiến trường miền Nam, nhằm cải tiến, chế
tạo những trang bị kỹ thuật cần thiết phù hợp với lối đánh phục kích, công kiên
vừa và nhỏ, đánh đặc công, chống máy bay, bảo đảm thông tin, chống vũ khí hóa học,
vi trùng[13]...; nhờ đó, các loại súng
cồng kềnh, sử dụng phức tạp đã được cải tiến giảm nhẹ trọng lượng, giảm bớt
thiết bị lắp đạn, phù hợp với địa hình miền Nam nhiều kênh rạch.
3- Thực hiện nhiệm vụ "tích
cực tiêu diệt sinh lực
địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền
và lực lượng địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn; tiến
lên làm chủ rừng núi, giành lại toàn bộ đồng bằng"[14], Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rất cần sự chi viện về lực lượng, về vũ khí, đạn dược,
thuốc men, quân trang, quân dụng... với số lượng lớn. Chi viện sức người, sức của
kịp thời trở thành yêu cầu sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Quân Giải phóng. Điều đó đòi hỏi phải gấp rút mở những tuyến đường huyết mạch
nối liền hậu phương với tuyền tuyến. Những tuyến đường ấy phải đủ sức đảm nhận,
hoàn thành nhiệm vụ vận tải chiến lược, đáp ứng yêu cầu, tình hình phát triển của chiến
trường và thậm chí phải vượt trước một bước. Trước tình hình cấp
bách lúc đó, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Quân ủy Trung ương và Ban Thống nhất Trung ương chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam, quyết
định tăng cường cán bộ, đẩy mạnh việc tiếp tế vũ khí, tài chính cho Quân giải
phóng miền Nam Việt Nam và mở rộng giao thông liên lạc Bắc - Nam.
Thực
hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chủ trương nhanh chóng
tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 nhằm mở rộng tuyến vận tải chiến lược Trường
Sơn. Được tăng cường lực lượng và bằng những biện pháp tổ chức chặt chẽ, hiệu
quả; nhờ đó, trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ (1961 - 1965), Đoàn đã vận chuyển,
bàn giao cho Quân Giải phóng gần 3.000 tấn vật chất các loại, đảm bảo hành quân
cho 12.000 lượt người qua lại trên đường Trường Sơn. Từ năm 1961 đến năm 1964, có khoảng
40.000 cán bộ, chiến sĩ vào Nam công tác và chiến đấu, trong đó có 2000 cán bộ
trung, cao cấp, riêng năm 1964 con số đó là 17.427 cán
bộ, chiến sĩ và 3.435 tấn vũ khí[15], còn tính đến cuối năm 1965, miền Bắc đưa 50.000 cán
bộ, chiến sĩ vào chiến trường phía Nam. Những năm 1965 - 1968, hậu phương miền Bắc đã chuyển tới chiến trường miền Nam gần
100.000 tấn vật chất, đảm bảo cho hơn 200.000 lượt người qua lại trên đường Trường
Sơn, khối lượng vật chất đó lớn gấp 10 lần
so với những năm 1961 – 1964[16] ;
huy động 336.914 người hành quân vượt Trường Sơn bổ sung cho Quân Giải phóng ;
riêng năm 1968, miền Bắc bổ sung cho chiến trường miền Nam 141.084 chiến sĩ,
72.499 tấn vật chất[17].
Như vậy, những năm 1965 – 1968, quá nửa lực lượng
và 80% vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh của Quân Giải phóng là từ hậu
phương miền Bắc đưa vào, góp phần hiệu quả phát triển nhanh chóng lực lượng
chủ lực Quân Giải phóng miền Nam từ 10 trung đoàn (năm 1964) lên 5 sư đoàn, 11
trung đoàn và một số trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật vào năm 1965.
Nhiều đơn vị chủ lực vừa từ miền Bắc vào phân thành các bộ phận nhỏ xuống cơ sở
làm nhiệm vụ của du kích và bộ đội địa phương. Các chiến sỹ hành quân từ miền Bắc vào chi viện cũng sẽ
thuộc biên chế của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, cùng tham gia sinh hoạt
và chiến đấu, không có bất kỳ sự phân biệt vùng miền nào trong biên chế.
Tiếp đó, trong 3 năm (1969 – 1971),
miền Bắc chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam 162.501 người và 111.045 tấn vật
chất[18], bàn giao cho các chiến trường khối lượng vật chất và nguồn lực con người
tăng gấp 3 - 6 lần so với 4 năm trước đó[19]. Năm 1972, khối lượng vật chất vận chuyển cho các chiến
trường miền Nam tăng 1,7 lần[20], bổ
sung cho Quân Giải phóng 152.974 người. Giai đoạn 1973-1975, 50% số Quân Giải
phóng miền Nam là lực lượng do miền Bắc tăng cường.
Song
song với tuyến đường bộ vươn sâu xuống các mặt trận, tuyến đường ống cũng được
khẩn trương xây dựng, lắp đặt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về xăng dầu của
chiến trường miền Nam. Nhờ tuyến đường ống, mùa Khô năm 1970 – 1971, miền Bắc
chuyển vào chiến trường miền Nam khối lượng xăng dầu lớn gấp 10 lần mùa Khô
1969 – 1970[39]. Đến năm 1975, gần
5.000 km đường ống dẫn nhiên liệu lỏng với hệ thống trạm bơm, bể chứa tương đối
hiện đại từ hậu phương miền Bắc, men theo các trục dọc Trường Sơn, vươn tới các
chiến trường.
Đặc
biệt, tháng 10-1962, tuyến vận tải hết sức đặc biệt của chiến tranh nhân dân Việt
Nam chính thức khai thông. Từ thời điểm đó, vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển
được liên tục cải tiến mọi khâu, từ phương tiện, phương thức, đến đội ngũ và
nguyên tắc vận chuyển; nhờ thế, vận hành ngày càng chủ động, hiệu quả. Trong suốt
14 năm liên tục (1961-1975), đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển đã vận
hành "1.789 chuyến tàu không số, vận chuyển 150.000 tấn vũ khí trang bị và
80 lượt ngàn cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 400 quả thủy lôi,
chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu 300 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần
máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu, xuồng địch"[21][42] để chi viện kịp thời
cho Quân Giải phóng miền Nam.
* *
*
Ra đời vào thời điểm
cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng
và to lớn, Quân Giải phóng miền Nam đã có mặt khắp các chiến trường Trung–Nam bộ, làm nên những chiến công
hiển hách.
Nhờ sự chi viện kịp thời,
to lớn và hiệu quả của miền Bắc, Quân Giải phóng miền Nam đã tổ chức một số trận đánh lớn
như Núi Thành (3 – 1965), Vạn Tường (8 – 1965), Plâyme (11 – 1965), Đất Cuốc, Bầu
Bàng (11 – 1965), đánh bại các đơn vị tinh nhuệ lính thuỷ đánh bộ, kỵ binh
không vận của Mỹ ngay khi mới đặt chân vào Việt Nam; nhanh chóng phát triển lực lượng
tiến hành đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 – 1966), (1966 –
1967). Tiếp đó, từ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), cuộc tiến
công chiến lược năm 1972 đến Tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn vào mùa Xuân
1975, Quân Giải phóng đã đã làm tròn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình. Từ đánh tập
trung quy mô đại đội, Quân Giải phóng đã nhanh chóng tiến lên đánh tập trung
quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, nhiều sư đoàn đến quân đoàn và nhiều
quân đoàn, nhuần nhuyến trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng. Từ
khi ra đời (1961) cho đến khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước kết thúc
(1975), Quân Giải phóng miền Nam đã làm rạng danh 7 chữ vàng “Giải phóng quân anh dũng chiến thắng” được in
trên lá quân kỳ do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam trao tặng
trong ngày thành lập. Trên những chặng đường hào hùng ấy, sự lớn mạnh không
ngừng của Quân Giải phóng luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của hậu
phương lớn miền Bắc. Miền Bắc đã đồng hành cùng Quân Giải phóng miền Nam từ buổi đầu
mới thành lập còn non trẻ cho đến ngày non sông thu về một mối.
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 507.
[2]
Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 20, Sđd, tr. 507.
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam(2002), Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 20, Sđd, tr. 509.
[4]
Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 22, Sđd, tr. 158.
[5]
Điện của Quân ủy Trung ương ngày
31–1–1961, Lưu tài Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[6]
Theo Hiệp định Genève, chỉ có lực
lượng quân sự chính quy phải tiến hành tập kết còn các lực lượng vũ trang tự
vê, lực lượng chính trị và tuyên truyền được tập kết tại chỗ.
[7]
Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng,
phông Bộ
Tổng tham mưu, hồ sơ 554 và
539.
[8]
Trung tâm lưu trữ BộQuốc phòng,
Tlđd, hồ sơ 554 và 539.
[9]
Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng,
Tlđd, hồ sơ 554.
[10]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd,
hồ sơ 723.
[11]
Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng,phông
Quân ủy Trung ương, hồ sơ 345.
[12]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, hồ sơ 326.
[13]
Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông
Quân ủy Trung ương, hồ sơ 907.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002),
Văn kiện Đảng toàn tập, tập
22, Sđd, tr. 159.
[15] Lê Duẩn-Tiểu sử, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.314.
[16] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1997), Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945 – 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.175.
[17] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1991), Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới
của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.358
[18] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1997), Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945 – 1975), Sđd. tr. 177.
[19] Dẫn
theo Công tác vận tải quân sự chiến lược,
Tài liệu lưu hành nội bộ của Tổng cục hậu cần, 1984, tr. 100.
[20] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2007), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Tập VII, Thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 349.
[21] Mai Thắng,: Đường Hồ Chí Minh trên biển: 50 năm
– huyền thoại một trường ca, Daidoanket.vn, ngày 13-7-2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!