Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CÁCH MẠNG ĐOÀN KẾT CỨU NƯỚC CAMPUCHIA-YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM NÊN CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG


 

PGS.TS. Hồ Khang

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng uống chung dòng nước ngọt ngào của sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Campuchia sớm có mối quan hệ mật thiết, máu thịt. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với đặc thù Đông Dương là một chiến trường, nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia đã sát cánh cùng nhau chung một chiến hào để bảo vệ nền độc lập vô giá. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau, hai dân tộc bước vào một ngã rẽ không mong muốn.

Ngược dòng lịch sử, trong cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia đã sát cánh cùng nhau chung một chiến hào để bảo vệ nền độc lập vô giá. Xác định Đông Dương là một chiến trường, “đứng trên lập trường lợi ích chung    hợp  tác lâu dài”[1], Việt Nam đặc biệt chú trọng đoàn kết với nhân dân Campuchia, chủ trương củng cố liên minh chiến đấu với nhân dân Campuchia để kháng chiến giành độc lập và thống nhất thật sự[2]. Trải qua một chặng đường dài đấu tranh hết sức gian khó với rất nhiều hy sinh xương máu, năm 1975, hòa bình đã được thiết lập trên bán đảo Đông Dương, các dân tộc Đông Dương đã được hưởng một nền độc lập thực sự, cùng có cơ hội tiến lên trên con đường xây dựng đất nước, xây dựng Đông Dương tiến bộ và thịnh vượng. Tuy  nhiên, khi khả năng phát triển, vận hội mới đang mở ra trước các dân tộc Đông Dương, thì nhân dân Campuchia lại phải hứng chịu những thử thách khắc nghiệt: Tập đoàn Polpot - Iengxari dựng lên một chế độ diệt chủng kỳ quái, phi nhân tính có một không hai trong lịch sử. Dưới bàn tay tàn bạo của tập đoàn Polpot – Iengxari, dấu ấn của một đất nước hiền hòa, thân thiện đã hoàn toàn biến mất, ốc đảo thanh bình với nền văn minh Ăngko rực rỡ bị biến thành một trại khổ sai khổng lồ, biệt lập, đầy rẫy những hố chôn người, một đống đổ nát, hoang tàn đầy u ám và chết chóc.

Trước sự áp bức tàn bạo của Khơ me đỏ, nhân dân Campuchia đã không thể ngồi im, đã nổi dậy hành động để bảo vệ mạng sống của mình, các cuộc phản kháng nổ ra ở nhiều vùng miền[3]. Trong khi các lực lượng trong nước nổi dậy chống chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari, một bộ phận khác gồm lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đã nhanh chóng chuyển sang nhiều vùng biên giới Tây Nam Việt Nam để tránh khỏi tổn thất do các cuộc đàn áp của chính quyền  Pôn Pốt gây ra. Đây là một lực lượng khá lớn, lên tới hơn 10 vạn người Campuchia, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên[4]. Từ năm 1977, trước tình hình người Campuchia bỏ sang Việt Nam lánh nạn ngày càng đông, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, “Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thành lập một đơn vị (tương đương cấp tiểu đoàn) làm nhiệm vụ giúp đỡ những người Campuchia chạy lánh nạn sang Việt Nam”[5]. Đoàn 977 trực thuộc Cục Chính trị Quân khu ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ đó và đã tiếp nhận, tuyển chọn, huấn luyện số lượng ngày càn đông người Campuchia yêu nước từng bước tổ chức thành các khung trung đội, đại đội.

Trên cơ sở lực lượng cán bộ, chiến sĩ yêu nước người Campuchia được tập hợp, huấn luyện và tổ chức lại ngày 12-5-1978, tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia - Đoàn 125 được thành lập, do ngài Hun Sen làm Chỉ huy trưởng, gồm 125 cán bộ, chiến sĩ - đây là đơn vị tiền thân đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia. Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia được xây dựng với mục tiêu phải “nhận thức đúng kẻ thù trong và ngoài nước; phải có quyết tâm cách mạng, dũng cảm chiến đấu và đoàn kết thống nhất nội bộ, hòa hợp dân tộc trong nội bộ Campuchia; phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đặc biệt giữ vũng tình đoàn kết keo sơn ba nước Đông Dương”[6]. Trong hai ngày mùng 8 và mùng 9-6-1978, trên địa bàn Quân khu 7, Việt Nam đã giúp Campuchia thành lập 6 đội vũ trang cách mạng cứu nước (mỗi đội từ 12 đến 15 người). Bộ đội địa phương cũng được xây dựng: Tại tỉnh Côngpông Chnăng đã  xây dựng 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, tỉnh Puốcxát xây dựng được 17 đại đội với tổng số quân là 3.456, người trang bị 1.827 súng[7]. Các đơn vị dân quân, du kích được huấn luyện 10 ngày, bộ đội địa phương được huấn luyện 2 tháng; cán bộ trung đội, đại đội của Campuchia đều được tập huấn về chỉ huy và chuyên môn[8]. Các đội vũ trang này đã phối hợp với lực lượng cách mạng trong nội địa Campuchia truyên truyền giác ngộ cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Mặt trận, về tội ác diệt chủng của tập đoàn Polpot - Iengxari, vận động thanh niên tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống lại chế độ Polpot.

Trước yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, ngày 16-6-1978, tại suối Râm, Quân khu 7, đã khai giảng lớp huấn luyện quân sự giúp Campuchia. Lực lượng tham gia huấn luyện gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội đặc công, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội hoả lực, 2 đại đội công binh và vận tải với thời gian huấn luyện 35 ngày[9]. Tháng 7-1978, trường Hạ sĩ quan Quân khu 7 khai giảng lớp đào tạo hạ sĩ quan đầu tiên cho Campuchia gồm 202 hạ sĩ quan, chiến sĩ[10]. Trong 30 ngày, các học viên học các bài cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật bộ binh; sử dụng các loại vũ khí có trong biên chế và công tác quản lý, chỉ huy tiểu đội, trung đội. Tháng 9 năm 1978, lực lượng trinh sát của Việt Nam bắt liên lạc được với lực lượng ly khai Vùng 20 của ông Chia Xim và lực lượng của ông Hêng Xomrin (nguyên  ủy viên Khu ủy Miền Đông, Sư đoàn trưởng kiêm Chính ủy Sư đoàn 4). Lực lượng này có hơn 400 quân và hàng vạn dân đi theo xin sang lánh nạn ở Việt Nam, trong đó có nhiều người tình nguyện được tham gia lực lượng vũ trang cách mạng để trở về giải phóng đất nước khỏi hoạ diệt chủng Pôn Pốt khi có thời cơ, trở thành một trong những nguồn quan trọng bổ sung, từng bước nâng cao số lượng cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia.

Được sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia nhanh chóng phát triển: Nếu tháng 7 năm 1978, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia có 1 tiểu đoàn gồm 5 đại đội và 17 đội công tác (tổng số 600 người)[11], thì đến tháng 12-1978, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã có 22 tiểu đoàn bộ binh, 69 đội vũ trang vận động quần chúng[12]. Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia được hình thành chủ yếu từ lực lượng thanh niên khoẻ mạnh trong số dân tạm lánh sang Việt Nam có giác ngộ chính trị, căm ghét chế độ diệt chủng Pôn Pốt, có tinh thần yêu nước.

Không chỉ hành xử man rợ với đồng bào mình, dân tộc mình, tập đoàn Polpot - Iengxari còn hết sức hiếu chiến. Với nước láng giềng Việt Nam đã từng "tối lửa, tắt đèn có nhau", Chính quyền Polpot tiến hành các cuộc xâm lấn, đánh chiếm biên giới trong thời gian dài với cường độ, tần suất ngày càng gia tăng, tiến hành loạt các cuộc tàn sát, thảm sát dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định trên toàn cõi Đông Dương cũng như trong khu vực. Dù mọi hành động của Chính quyền Polpot đã vượt quá giới hạn, song vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, gìn giữ quan hệ láng giềng hòa hiếu, gìn giữ tình hữu nghị giữa hai dân tộc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực đàm phán, giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình, song mọi nỗ lực của Việt Nam đều rơi vào vô vọng. Chính quyền Polpot liên tục khước từ và không ngừng mở rộng phạm vi đánh phá, tấn công các điểm dân cư dọc biên giới hai nước. Ngày 31-12-1977, Chính quyền Polpot chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, rút Đại sứ quán Campuchia ở Hà Nội và yêu cầu tất cả cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Phnôm Pênh về nước.

Như đã nói ở trên, từ chối những đề nghị của Việt Nam về giải quyết vấn đề biên giới bằng đàm phán, thương lượng, chính quyền Campuchia đẩy mạnh tiến công quân sự xâm chiếm biên giới của Việt Nam. Trước việc Pônpốt tăng cường chiến tranh xâm lược và Trung Quốc gây căng thẳng ở biên giới phía Bắc, để tránh khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược từ hai hướng chiến lược, Việt Nam quyết tâm và tích cực chuẩn bị giải quyết sớm cuộc chiến tranh ở hướng Tây Nam. Cùng lúc, ngày 26-12-1978, Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia[13] quyết định phát động phong trào nổi dậy của quần chúng; đồng thời, kêu gọi nhân dân Việt Nam giúp đỡ tiêu diệt chế độ diệt chủng.

Trong khi đó, cuối tháng 12-1978, chính quyền Polpot bố trí 19 sư đoàn bộ binh (trên tổng số 23 sư đoàn) dọc biên giới Việt Nam- Campuchia, phục vụ cho kế hoạch tiến công trên toàn tuyến biên giới. Trước tình thế khẩn cấp đó, từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 8 tháng 12-1978, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân uỷ Trung ương họp, thông qua lần cuối quyết tâm chiến lược và kế hoạch giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot. Với quyết tâm “đánh đổ tập đoàn phản động Campuchia, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn làm lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”[14], Bộ Tổng tham mưu dự kiến tiến hành tổng phản công, mở 3 chiến dịch đồng thời và kế tiếp nhau, với phương châm “nhanh, gọn, không ồn ào, bí mật, bất ngờ, không để lộ quân ta”[15]. Bộ Tổng tham mưu cũng chủ trương: “Trong khi thực hiện phải chuẩn bị tốt cả về quân sự và chính trị, đánh thắng nhanh, gọn, lực lượng bạn quyết định cuối cùng, tuy lực lượng ta rất quan trọng”[16].

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định sử dụng 18 sư đoàn của các Quân đoàn 2, 3, 4; lực lượng vũ trang các Quân khu 5, 7, 9, cùng 600 xe tăng, xe thiết giáp, 173 máy bay các loại, 160 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, 7.000 ôtô với tổng số 25  vạn quân do Tổng tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Lực lượng nói trên cùng với lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến hành các chiến dịch quân sự dọc biên giới Việt Nam – Campuchia và đã kiểm soát một vùng đệm dọc biên giới trong lãnh thổ Campuchia, từ Mimot đến Snuol ở các tỉnh Kampong Cham, Kratié và một vùng rộng thuộc lãnh thổ Campuchia dọc theo Đường 19[17].

Từ cuối tháng 12-1978 đến đầu tháng 1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ. Trước sức mạnh tiến công của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, ngày 4-1-1979, Polpot ra lệnh rút khỏi Phnom Penh, liền sau đó, tập đoàn Polpot - Iengxari, cố vấn Trung Quốc và các đoàn ngoại giao rút khỏi Phnom Penh; đồng thời, kêu gọi sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. Ngày 6 tháng 1 năm 1979, Polpot yêu cầu Sihanouk giúp đỡ, thông qua tiếng nói của Xihanúc để cứu vãn tình thế. Cùng ngày, gia đình Sihanouk và Pennút được Trung Quốc đưa máy bay xuống sân bay Pochentong đón đi Bắc Kinh. Theo dõi chặt chẽ những diễn biến mau lẹ và chớp thời cơ thuận lợi ở chiến trường, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho Tiền phương Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các lực lượng kiên quyết, nhanh chóng đánh chiếm Thủ đô Phnom Penh trước khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp vào ngày 9 tháng 1 năm 1979.

Thực hiện quyết tâm đó, ngày 6-1-1979, cùng với cùng với lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam vượt sông Mekong qua ngả Neak Luong và bắc Kompong Cham, chia thành hai gọng kìm tiến vào Phnom Penh từ phía Đông Nam và phía Bắc. cuối ngày 7 tháng 1 năm 1979, Phnom Penh được giải phóng và ngay sau khi chiếm được Phnom Penh, ngày 8 tháng 1 năm 1979, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia, Chủ tịch Hiêngxomrin gửi điện cho Tổng thư Ký Liên hợp quốc khẳng định vai trò quản lý đất nước của Chính quyền mới. Tiếp đó, ngày 10 tháng 1 năm 1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia tuyên bố chính sách đối nội, đối ngoại, khẳng định quyền đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Campuchia.

Tính đến ngày 17 tháng 1 năm 1979, toàn bộ các thị xã, thị trấn, các sân bay, bến cảng, các trục giao thông, toàn bộ đất nước Campuchia, đại bộ phận các vùng nông thôn đã thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot - Iengxari. Trong cuộc Tổng phản công bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, từ ngày 23 tháng 12 năm 1978 đến ngày 17 tháng 1 năm 1979, lực lượng vũ trang Việt Nam kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn của tập đoàn Polpot - Iengxari, trong đó có 5 sư đoàn bị xoá sổ, diệt 12.000 binh lính, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên, 44.000 tên tan rã tại chỗ; giải phóng trên 3 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và kỹ thuật quân sự của tập đoàn Polpot - Iengxari ở các thành phố, thị xã, sân bay, bến cảng, đập tan bộ máy thống trị của Polpot - Iengxari từ Trung ương đến cơ sở. Đã thu 31.000 khẩu súng cùng với 40.000 khẩu thu ở các kho tại Phnom Penh[18], nâng tổng số lên 71.000 khẩu súng các loại (trong đó có 460 khẩu pháo); ngoài ra, còn thu được 1.000 ôtô, 180 xe tăng, xe thiết giáp, 40 máy bay, 60 tàu thuyền chiến đấu các loại, 2.700 tấn đạn và nhiều lương thực, thực phẩm khác[19].

Cần phải nói thêm rằng, dù lực lượng Polpot bị đánh bại nhưng vẫn còn ẩn náu khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan. Polpot bảo toàn được cơ quan đầu não và 2 phần 3 lực lượng vũ trang và lập kế hoạch tiến hành chiến tranh du kích. Cuối năm 1980, đầu năm 1981, sau hơn một năm rút lực lượng chủ lực còn lại lên đứng chân ở biên giới giáp Thái Lan, Polpot tiến hành củng cố, bổ sung thêm quân số, trang bị cho các sư đoàn chủ lực, đưa một bộ phận lớn lực lượng (khoảng 1/3 quân chủ lực) vào các địa bàn xung yếu của 7 tỉnh biên giới phía Tây nhằm xây dựng các “căn cứ lõm” trong dân, đồng thời đẩy mạnh hoạt động du kích ở 12 tỉnh nội địa, gây khó khăn trực tiếp cho cách mạng Campuchia, cho nhân dân Campuchia trong công cuộc tái thiết đất nước.

Để bảo vệ vững chắc thành quả của "cuộc cách mạng làm lại", đảm bảo an ninh, đảm bảo cho nhân dân Campuchia xây dựng đất nước trong hòa bình, một yêu cầu được đặt ra là lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia cần phải nhanh chóng phát triển và trở nên vững mạnh, trở thành nòng cốt quan trọng cho Quân đội nước Cộng hoà nhân dân Campuchia. Đáp ứng yêu cầu đó, lực lượng vũ trang Campuchia được xây dựng theo phương hướng: 1- Có ba thứ quân, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; 2- Xây dựng lực lượng bộ binh làm chính; xây dựng quân binh chủng và cơ sở đảm bảo cần thiết; 3- về quy mô, Lấy cấp tiểu đoàn và trung đoàn làm chính, tổ chức một số sư đoàn để sau này thay thế quân tình nguyện ở một số hướng trọng điểm; xây dựng từ thấp lên cao, theo trình độ chỉ huy và sức chiến đấu của bộ đội.

Cơ quan Bộ Quốc phòng của Campuchia cũng được xây dựng theo ba bước lớn: 1- Tập hợp cán bộ của lực lượng vũ trang, bồi dưỡng nâng cao trình độ về quân sự; 2- Cơ quan Bộ Quốc phòng làm việc theo chức trách, nâng cao trình độ kiểm tra đôn đốc thực hiện về quân sự; đồng thời, nhanh chóng kiện toàn cơ quan về tổ chức để đủ điều kiện lãnh đạo, chỉ huy từ trên xuống; 3- Lực lượng vũ trang Campuchia đủ sức tự làm công tác vận động quần chúng, làm chủ nội địa và phần lớn biên giới, tiến tới tự đảm đương nhiệm vụ của mình. Phía Việt Nam cũng chủ trương: “Hết sức giúp Campuchia về xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là về đào tạo cán bộ, giáo dục chính trị, bảo đảm hậu cần, làm cho các lực lượng quốc phòng và an ninh của hai nước trưởng thành nhanh chóng, dân dần tự đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ vững an ninh”[20]. Trải qua một khoảng thời gian dài, với những nỗ lực và cố gắng cao độ, lực lượng vũ trang Campuchia đã đủ vững mạnh để đảm nhận nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân tình nguyện Việt Nam được rút về nước vào tháng 9-1989.

Như vậy, dưới ngọn cờ của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến hành các chiến dịch quân sự, không chỉ đánh tan lực lượng của chính quyền Polpot, xóa bỏ một chế độ phi nhân tính nhất trong lịch sử loài người, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7-1-1979, mà còn tiếp tục truy quét tàn quân Polpot, bảo vệ đất nước. Quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia là một quá trình nỗ lực không ngừng, đi từ không đến có; đi từ nhỏ đến lớn; đi từ yếu đến mạnh và in đậm những dấu ấn lòng yêu nước và tình hữu nghị.

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr. 441-442.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 148.

[3] Từ năm 1975, trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia đã có các nhóm ly khai hoạt động chống lại chế độ Pôn Pốt. Nhân dân huyện Tà Veng (55A), huyện Vươn Sai (tỉnh Ráttanakiri), dưới sự lãnh đạo của ông Bu Thoong và ông Bun Mi, đã nổi lên chống lại chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari. Các ông Bu Thoong, Bun Mi cùng Thoong Bay (Huyện ủy viên huyện 52T), ông Sươn Huyện ủy viên (huyện 55B), ông  Khăm Phun (Bí thư­ xã Vư­ơn Sai) đứng ra vận động, tập hợp hơn 4.000 người, lựa chọn xây dựng được 5 trung đội vũ trang làm nòng cốt xây dựng căn cứ U-pứng, sát biên giới Việt Nam. Ông Soi Keo được giao phụ trách 5 trung đội vũ trang công tác, cùng Thoong Bay phụ trách các tổ chức quần chúng nhân dân đánh địch, bảo vệ căn cứ . Cùng với phong trào nổi dậy ở các tỉnh Đông Bắc, ở nhiều nơi khác, dưới sự lãnh đạo của những người yêu nước cách mạng, binh lính và quần chúng nhân dân Campuchia cũng liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xari và thu được một số kết quả [Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978-1989), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.32-33).

[4] Tình hình Campuchia, tư liệu lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông 82, ĐVBQ 2316, tr. 134.

[5] Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Sđd, tr.36.

[6] Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Sđd, tr.41.

[7] Tình hình địch từ tháng 12/1980 đến tháng 4/1981, Tài liệu lưu tại Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu KC-655.

[8] Bộ Quốc phòng - Cục đối ngoại: 45 năm Cục đối ngoại Bộ quốc phòng (1964 - 2009), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.189.

[9] Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Tlđd, tr.45.

[10] Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Tlđd, tr.45.

[11] Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Tlđd, tr.41.

[12] Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  nguyện quân tình và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978 - 1989), Tlđd, tr.47.

[13] Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời tháng 12-1978. Đại hội thành lập Mặt trận thông qua Cương lĩnh chính trị 11 điểm, ra lời kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết đấu tranh đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot.

[14] Dự thảo kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu, số 56, ngày 10-10- 1978.

[15] Dự thảo kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu, Tlđd.

[16] Dự thảo kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu, Tlđd.

[17] Nayan Chanda, Brother Enemy:The War after the War, Harcourt Brace Jovanovich, 1986, p.339.

[18] Báo cáo số 78/TP-TM của Tiền phương Bộ Tổng tham mưu, lưu tại Bộ Tổng tham mưu.

[19] Báo cáo số 78/TP-TM của Tiền phương Bộ Tổng tham mưu, Tlđd.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 44, tr.129.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!