PGS.TS. Hồ Khang
Bước sang năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam có bước phát triển quan trọng, nhiều căn cứ hình thành ở vùng rừng núi, bưng biền đã tạo nên thế đứng mới của lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc này, yêu cầu về vũ khí đạn dược của cách mạng miền Nam đang trở nên hết sức cấp thiết; đồng thời, để vai trò, tác dụng và sức mạnh của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ ở miền Nam, rất cần một hệ thống giao thông thông suốt Trước yêu cầu và tình hình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn chi viện cho cách mạng miền Nam.
1- Tháng 1-1959, Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và khẳng định con đường phát triển cơ bản
của cách mạng miền Nam là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền
Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Thực hiện những nhiệm vụ trên
đây, chiến trường miền Nam rất cần sự chi viện về lực lượng, về vũ khí, đạn dược,
thuốc men, quân trang, quân dụng... với số lượng lớn. Chi viện sức người, sức của
kịp thời trở thành yêu cầu sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của cách mạng
miền Nam và điều đó đòi hỏi phải gấp rút mở những tuyến đường huyết mạch nối liền
hậu phương với tuyền tuyến. Tuyến đường ấy phải đủ sức đảm nhận, hoàn thành nhiệm
vụ vận tải chiến lược, đáp ứng yêu cầu, tình hình phát triển của chiến trường
và thậm chí phải vượt trước một bước.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho
Quân ủy Trung ương nghiên cứu, nhanh chóng mở tuyến giao thông vận tải và đến
giữa năm 1959, đường Hồ Chí Minh trên bộ chính thức được triển khai. Buổi đầu, tuyến vận tải
đường bộ dựa vào đường dây Thống Nhất để thực hiện nhiệm vụ, chủ yếu làm công
tác giao liên, vận chuyển một số vật chất bằng phương pháp gùi thồ, chú trọng
phòng tránh, giữ bí mật tuyệt đối để bảo vệ lực lượng, bảo vệ mục tiêu, nhiệm vụ.
Với thắng lợi của
phong trào Đồng khởi và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, ngày
24-1-1961, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định "đẩy mạnh đấu
tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị,
tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”[1]. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
cấp bách đó, hậu phương miền Bắc, Quân uỷ Trung ương chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 nhằm
mở rộng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn theo phương hướng: kiên trì giữ vững
hành lang phía Đông, khẩn trương mở đường vận tải phía Tây Trường Sơn; đồng thời,
mạnh dạn áp dựng phương thức vận tải cơ giới, kết hợp với phương thức vận tải
thô sơ (xe đạp thồ), chú trọng khai thác đường sông. Được tăng cường lực lượng
và bằng những biện pháp tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, đến giữa năm 1964, Đoàn 559
đã xây dựng được địa bàn hoạt động từ Tây Quảng Bình vào đến ngã ba Biên giới,
triển khai được một số tuyến, thành lập được các cung trạm, xây dựng được tuyến
hành lang nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Từ
năm 1965, Mỹ sử dụng không quân, hải quân leo thang đánh phá miền Bắc, đưa các
lực lượng quân bộ Mỹ và đồng minh tham chiến trực tiếp tại chiến trường miền
Nam. Trước tình hình đó, "tất cả chi tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc
Mỹ xâm lược" là ý chí của hậu phương miền Bắc đối với cách mạng miền Nam.
Trên tuyến vận tải chiến lược, Đoàn 559 bố trí thế trận đánh địch, đảm bảo giao
thông và vận tải quân sự trên toàn tuyến theo phương châm vừa có lực lượng tại
chỗ, vừa có lực lượng cơ động mạnh. Khắc phục gian khổ, khó khăn, cán bộ, chiến
sĩ, thanh niên xung phong và nhân viên kỹ thuật của Đoàn 559 đã bền bỉ, mưu trí
đánh địch, mở đường, đảm bảo giao thông, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là tiếp
nhận các nguồn hàng từ hậu phương miền Bắc và nguồn thu mua từ hướng Campuchia,
tổ chức vận chuyển chi viện tới các chiến trường miền Nam và Lào, đảm bảo hành
quân cho bộ đội và các đoàn cán bộ qua lại trên đường Trường Sơn.
Từ
năm 1969 đến 1972, Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn bằng được mọi
nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào miền Nam, đánh phá hệ thống đường Trường Sơn với
những loại vũ khí hiện đại và mật độ ngày càng cao. Được tăng cường về lực lượng
và phương tiện, bộ đội Trường Sơn nhanh chóng tổ chức lại đội hình, bố trí lại
thế trận, điều chỉnh giới tuyến chiến đấu, hiệp đồng giữa các quân binh chủng...
Vì vậy, mặc dù đánh phá ác liệt nhưng tuyến vận tải chiến lược vẫn không ngừng
được xây dựng và mở rộng, vươn sâu, vươn xa vào các chiến trường. Nếu trong thời
kỳ "chiến tranh cục bộ", Đoàn 559 mới chỉ mở được trục đường 20 - cửa
khẩu vượt đỉnh Trường Sơn, nối với hệ thống đường chiến lược ở đường phía Tây
Trường Sơn, rút ngắn cung độ đến các hướng chiến trường..., thì từ năm 1968 đến
năm 1972, đã mở thêm 4 trục đường từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn[2].
Thời
kỳ cuối của cuộc chiến tranh (1973 - 1975), nhiệm vụ của tuyến vận tải chiến lược
là phải tranh thủ thời cơ, "tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến
lược, tiếp tục bảo đảm hành quân vào các chiến trường... đảm bảo cho các quân
khu thực hiện tốt việc tổ chức chiến trường, xây dựng lực lượng dự trữ chiến lược.
Đồng thời phải đảm bảo một phần nhu cầu dân sinh kinh tế, góp phần xây dựng căn
cứ địa, vùng giải phóng miền Nam và các nước bạn"[3]. Đáp
ứng yêu cầu đó, tháng 11- 1973, Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch thiết kế,
mở rộng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.
Và miền Bắc đã huy động nhân lực, xây dựng lực
lượng công binh của Đoàn 559 và ngành vận tải miền Nam[4]. Bên cạnh đó, hậu phương
miền Bắc còn tăng cường thêm phương tiện cho Đoàn 559, bao gồm hàng nghìn xe
máy các loại, xe lu, máy ép hơi, máy san ủi... Với lực lượng con người và vật
chất to lớn đó, Đoàn 559 nhanh chóng mở thêm 3.480 km đường cơ giới với các trục
dọc men theo Đông và Tây Trường Sơn[5]. Các tuyến đường bộ phía Tây
được sửa chữa, bảo dưỡng, bảo đảm cho việc vận chuyển cơ giới theo đội hình lớn. Nhiều tuyến đường đã mở rộng đáng kể, “tương đương với
đường cao tốc, đủ rộng để chứa hai xe tải quân đội đi ngược chiều nhau”[6].
Qua
gần 16 năm xây dựng, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, với
phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, tuyến vận tải chiến lược phát
triển thành hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa tới các chiến
trường, vươn sâu vào các hướng chiến dịch. Tính đến năm 1975, tuyến vận tải chiến
lược lên tới gần 20.000 km, bao gồm 4 hệ thống trục dọc dài 6.810 km, 13 hệ trục
ngang dài 4.980 km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700 km, 1 hệ thống đường vòng
tránh các trọng điểm dài 4.700 km, 1 hệ thống đường ống dài 1.300 km, tuyến vận
tải đường sông vào tới Stung-treng.
2- Từ khi được đưa vào
sử dụng cho tới lúc kết thúc chiến tranh, tuyến vận tải chiến lược đường Trường
Sơn thường xuyên bị địch đánh phá dữ dội bằng nhiều lực lượng với phương tiện chiến tranh hiện đại và nhiều phương thức
khác nhau. Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở nhiều cuộc tiến công của bộ binh, hàng
chục vạn cuộc đánh phá của không quân, tung hàng nghìn toán biệt kích, thám báo
hoạt động sâu trong khu vực đường mòn, rải xuống các cánh rừng hàng chục triệu
quả bom, mìn vướng nổ và nhiều thiết bị điện tử tinh vi cùng nhiều chất độc làm
trụi lá cây rừng... Trung bình hàng năm, mỗi km thuộc khu vực đường Trường Sơn
phải chịu 736 quả và loạt bom. Chỉ tính trong mùa khô
1966 - 1967, không quân Mỹ đã tổ chức hơn 12.500 trận đánh phá toàn tuyến, chưa
kể các cuộc hành quân bằng bộ binh, thám báo, biệt kích…Trong hai năm
1970 - 1971, Không quân Mỹ đã rải 4.959.489 quả và loạt bom, cùng hàng chục vạn
quả mìn và nhiều thiết bị điện tử tinh vi rải xuống Trường Sơn. Chỉ từ sau khi
Hiệp định Paris được ký kết (1973), đường Trường Sơn mới không phải chịu những
trận dội bom tàn khốc của Không quân Hoa Kỳ. Ngoài rải thảm bom, mìn, Mỹ và
chính quyền Sài Gòn còn sử dụng một lực lượng lớn quân đội đánh cắt tuyến vận tải[7]. Dọc các đường 14, 23, 16,
13... quân đội Sài Gòn và quân đội Viêng Chăn bố trí hàng loạt cứ điểm, sân bay
quân sự và hệ thống đồn bốt nhằm khống chế, chặn cắt, ngăn cách khu vực Trường
Sơn với vùng giáp ranh và vùng đồng bằng.
Để
bảo vệ tuyến đường vận tải huyết mạch này, hậu phương miền Bắc đã tăng cường lực
lượng và phương tiện cho Đoàn 559, hình thành lực lượng binh chủng hợp thành.
Miền Bắc điều động nhiều cán bộ và nhân viên kỹ thuật thuộc nhiều binh chủng và
cơ quan dân sự vào chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn. Ngay từ những năm
60 (XX), các trung đoàn chủ lực của miền Bắc Việt Nam đã phối hợp với lực lượng
cách mạng Lào tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng một khu vực khá rộng phía
Tây Trường Sơn[8]
Dưới
sự chi viện đắc lực của hậu phương miền Bắc, trên các nẻo đường Trường Sơn, hệ
thống cung binh trạm làm nhiệm vụ vận tải, điều chỉnh giao thông, cấp phát,
giao liên, bảo đảm hành quân, đưa đón và điều trị thương bệnh binh; hệ thống kho
trạm, trận địa phòng không, trạm sửa chữa và bảo dưỡng xe máy... được xây dựng
và hoàn chỉnh, bảo đảm sự hoạt động thông suốt của con đường trong mọi tình huống.
Dọc dài theo các tuyến, nhiều khu căn cứ dự trữ chiến lược của Bộ và các khu
căn cứ hậu cần của các quân khu, các mặt trận được bố trí dưới những tán rừng
Trường Sơn, tiếp cận các hướng chiến trường, đáp ứng mọi yêu cầu chiến lược,
chiến dịch...
Sẽ
là không đầy đủ nếu không nói đến việc miền Bắc xây dựng, lắp đặt tuyến đường ống song song với tuyến đường bộ vươn sâu xuống
các mặt trận. Những người con của miền Bắc - đội ngũ
kỹ thuật của Cục Xăng dầu gồm những kỹ sư học ở các trường Đại học Bách khoa, Đại
học Thủy lợi, Đại học Mỏ-Địa chất... được giao tính toán các thông số của tuyến
đường ống, vừa thiết kế vừa thi công. Đến ngày 10-8-1968, đoạn đường ống đầu
tiên đã được “Công trường 18” lắp đặt qua vùng “tam giác lửa” Nam Đàn -Vinh-
Linh Cảm dài 42km, nối từ kho xăng N1 (Nghệ An) vượt sông Lam và sông La tới
kho N2 (Hà Tĩnh). Đoạn đường ống đầu tiên dài 42km này mang mật danh “X42” và
là khởi đầu của cả tuyến đường ống Bắc-Nam sau này. Từ đây, đường ống được triển
khai ra hai đầu, một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc để tạo nguồn xăng dầu vào ổn
định; một đầu từ kho N2 tiếp tục vươn về phía Nam bảo đảm cho tuyến vận tải chiến
lược vượt Trường Sơn vào đến tận Nam Bộ. Đầu tháng 3-1969, tuyến đường ống xăng
dầu từ Cổng Trời i(Quảng Bình) theo Đường 12 vượt Trường Sơn vào tuyến đường vận
tải của Đoàn 559 đã được hoàn thành, còn đến ngày 2-6-1969, tuyến đường ống từ
K200 đến Ra Mai (Quảng Bình) dài 18km cũng đã xây dựng xong. Tiếp đó, đường ống
xăng dầu từ Ra Mai được nối dài đến Bản Mày (Quảng Trị), giáp biên giới Lào. Năm 1971, miền
Bắc kéo được 500 km đường ống và đến cuối năm 1971, đã lắp được gần 1000
km[9]. Nhìn
chung lại, từ miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) hệ thống đường ống chia
làm hai ngả, một vượt đèo Mụ Giạ, sang Lào vươn tới Hạ Lào, vượt qua biên
giới Lào, Campuchia vào tới Nam Bộ; ngả còn lại theo đường Đông Trường Sơn qua
Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Tây Nguyên, Kontum xuống Bình
Phước. Hai hệ thống Đông và Tây Trường Sơn hội tụ tại trạm cuối cùng ở Bù Gia Mập,
thuộc tỉnh Phước Long, Đông Nam Bộ. Trên toàn bộ
hệ thống, đã xây dựng 316 trạm bơm đẩy,
101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m3.
Hậu
phương miền Bắc cũng không ngừng dốc nguồn lực cho việc phát triển lực lượng
chiến đấu và công tác trên tuyến đường, nhằm đảm bảo cho tuyến vận tải đảm nhiệm
tốt nhiệm vụ, không chỉ vận chuyển, mà còn tự bảo vệ, đứng vững trước sự đánh
phá khốc liệt của đối phương. Với những nỗ lực to lớn của miền Bắc, lực lượng trên đường Trường Sơn bao gồm các đơn vị binh chủng
hợp thành như vận tải cơ giới, bộ binh, phòng không, công binh, thông tin và
các lực lượng bảo đảm khác như quân y, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung
phong, dân công hoả tuyến. Toàn bộ lực lượng trên đây được tổ chức thành hai bộ
phận: lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ[10]. Đến
cuối cuộc chiến tranh, chỉ riêng bộ đội Trường Sơn đã tăng đến 100.495 người,
trong đó có 8 sư đoàn và cấp tương đương, 14 trung đoàn trực thuộc và cấp tương
đương, lực lượng công tác và phục vụ trong các xưởng sửa chữa, trạm xá...
3-
Với sự hỗ trợ không ngừng nghỉ, sự chi viện thường xuyên, hiệu quả của miền Bắc,
tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Một
khối lượng khổng lồ vật chất và một lực lượng các binh đoàn chiến đấu đã được vận
chuyển qua tuyến đường này. Từ năm 1959 đến 1964, tuyến vận tải chiến lược đã đảm bảo
vận chuyển và hành quân cho chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn cùng
hàng nghìn tấn vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng
Lào. Trong 4 năm (1968-1972), tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển được tổng
khối lượng vật chất đạt 118%; đảm bảo hành quân đạt 190% so với chỉ tiêu; bàn
giao cho các chiến trường khối lượng vật chất và nhân lực tăng gấp 3 - 6 lần so
với 4 năm trước đó[11],
đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và cách
mạng Campuchia. Trong các năm 1967 đến băm 1969, vận chuyển chi viện cho chiến
trường Lào và các đơn vị hành quân đạt từ 105% đến 115% chỉ tiêu kế hoạch. Năm
1970, tuyến vận tải chiến lược đã chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ
kịp thời cho lực lượng giải phóng Campuchia phối hợp với Quân giải phóng miền
Nam đập tan cuộc hành quân “Chen-la”. Mùa khô năm 1970
– 1971, miền Bắc chuyển vào chiến trường miền Nam qua đường ống dẫn dầu khối lượng
xăng dầu lớn gấp 10 lần mùa khô 1969 – 1970[12].
Từ
sau cuộc đảo chính của Mỹ-Lonnon (1970), đường vào cảng Xihanúcvin bị cắt đứt,
toàn bộ vật chất chi viện cho lực lượng Quân giải phóng Campuchia đều do Đoàn
559 đảm nhiệm. Hai năm 1973-1974, Tuyến 559 đã vận chuyển cho chiến trường Lào,
Campuchia và chiến trường miền Nam một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn
1969-1972 và bằng 65,5% tổng khối lượng vận chuyển chi viện trong 17 năm trước
đó (1955-1972), tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng ba nước giành thắng lợi. Điều
đáng chú ý là vào những thời điểm quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến
lược năm 1972, quân và dân Lào mở cuộc tiến công chiến lược nhằm buộc địch phải
ký Hiệp định Pari và Hiệp định Viêng-chăn, tuyến vận tải đã kịp thời cung cấp đầy
đủ các nguồn lực vật chất mà chiến trường yêu cầu.
Như vậy, trong xây dựng, vận hành, đảm bảo cho
tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình
không thể không nói đến vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc. Miền Bắc đã tạo
mọi điều kiện tốt nhất, đóng góp những nguồn lực hết sức to lớn để xây dựng, bảo
vệ tuyến đường, đảm bảo cho tuyến đường thông suốt, luôn sẵn sàng vận chuyển những
nguồn lực cung cấp cho chiến trường miền Nam. Để hoàn thành trách nhiệm vụ to lớn
đó, miền Bắc đã được củng cố về mọi mặt, trở thành nền, thành
gốc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Không thể nào có một tuyến đường vận tải chiến
lược đi vào lịch sử như là con đường huyền thoại, không thể nào có thắng lợi của
sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc cùng một lúc phải
làm hai nhiệm vụ chiến lược, luôn “thắt lưng, buộc bụng”, sẵn sàng hy sinh, sẵn
sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng cho con đường gánh chở sức mạnh
hậu phương ra chiến trường, vì một miền Nam thành đồng, “đi trước, về sau”.
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 22, Sđd, tr. 158.
[2] Bao gồm đường 18, 16, 10 và 12 tạo thành hệ thống đường vượt
khẩu chống địch ngăn chặn, nâng tổng số chiều dài tuyến đường từ 2.930 km
(1968) lên gần 11.000 km (1972), chưa kể 6.500 km đường giao liên, gùi thồ.
[3]
Nghị quyết số 221/NQĐU 559 (dẫn theo Công
tác vận tải quân sự chiến lược, Tlđd, tr 106 – 107).
[4]
Từ 8 trung đoàn và 65 tiểu đoàn năm 1972, lực lượng công binh của Đoàn 559 đã
tăng lên 1 sư đoàn, 17 trung đoàn và 40 tiểu đoàn với tổng quân số 36.341 người.
Bên cạnh công binh, lực lượng mở đường còn có 2.741 thanh niên xung phong và
dân công hoả tuyến....
[5]
Chiều dài của các đường mới mở còn lớn hơn tổng số chiều dài đường giao thông
được xây dựng trong vòng 13 năm trước đó; các tuyến đường ngang hỗ trợ cũng được
khai thông. Gần 5.000 km đường ống dẫn nhiên liệu lỏng với hệ thống trạm bơm, bể
chứa tương đối hiện đại từ hậu phương miền Bắc, men theo các trục dọc Trường
Sơn, vươn tới các chiến trường.
[6]
Keith B. Richburg: Ho Chi Minh Trail
Revisited Vietnam Death March, The Washington Post, April 26, 1990.
[7] Cuộc hành quân Chen-la 1, Chen-la 2 của 25.000 quân đánh vào
vùng ngã ba Biên giới; cuộc hành quân "Lam Sơn - 719" của 20.000 quân
với sự yểm trợ của 9.000 binh lính Mỹ cùng 2.000 máy bay các loại đánh vào Đường
9 - Nam Lào - một chi nhánh quan trọng của tuyến vận tải chiến lược.
[8]
Bao gồm Mường Phìn, Bản Đông (1960 - 1961), đường 12, từ Mụ Giạ đến Đường 9
(1962 - 1963); Pha Lan - Đồng Hến (1964 - 1965)... Trong những năm 1970 - 1972,
bộ đội Việt Nam đã giải phóng Atôpơ, cao nguyên Bôlôven, Saravan, Pha Lan (lần
2)...
[9]
Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội ,2007, Tập VII, tr. 343.
[10]
Lực lượng cơ động là những đơn vị hợp thành, những đơn vị chuyên môn binh chủng
thực hiện các chiến dịch vận chuyển và đánh địch trên từng hướng hoặc vào những
thời điểm quan trọng, phục vụ ý đồ chiến lược chung. Lực lượng tại chỗ là những
binh trạm với các bộ phận binh chủng và lực lượng phục vụ, đảm nhiệm công tác
chiến đấu, vận chuyển, bảo vệ giao thông, bảo đảm hành quân... trên từng cung,
chặng được giao.
[11]
1965 - 1968: kế hoạch chi viện 85.000 tấn, hành quân 324.000 lượt người; 1969 -
1972: kế hoạch chi viện 114.820 tấn, hành quân 598.000 lượt người. Dẫn theo Công tác vận tải quân sự chiến lược. Tài
liệu lưu hành nội bộ của Tổng cục hậu cần, 1984, tr 100.
[12]
Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Sđd, tr. 343.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!