PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có những trận đánh tuy không quy mô không lớn, song lại mang một sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng, không chỉ làm thay đổi cục diện của một giai đoạn chiến tranh, mà còn trở thành đột phá khẩu, tạo ra bước ngoặt cho toàn bộ cuộc chiến. Chiến thắng Tua Hai là một trận đánh mang tầm vóc như thế, nó vượt qua ý nghĩa thông thường của một trận đánh, mở đầu cho cao trào vũ trang ở miền Đông Nam Bộ.
1- Xứ ủy Nam Bộ và quan
điểm về phát động phong trào đấu tranh vũ
trang
Những
năm 1959-1960, tình hình miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Chính
quyền Ngô Đình Diệm sử dụng các phương pháp cứng rắn để chống lại những người
kháng chiến, thực hiện các chiến dịch tố cộng
hết sức khốc liệt. Tháng 5-1959, Ngô Đình Diệm
ban hành Luật 10/59, đặt
ra ngoài vòng pháp luật của các cựu chiến binh kháng chiến và lực lượng đối
lập. Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 15 Trung
ương Đảng Lao động Việt Nam họp vào tháng 1-1959 chưa thống nhất được quan điểm
về phương pháp tiến hành cách mạng ở miền Nam và chỉ đến tháng 7-1959 mới chính
thức thông qua Nghị quyết, xác định con đường
phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay
nhân dân[1].
Dù Nghị quyết Trung ương 15 chủ chương sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng
để đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền cách
mạng nhân dân, song cho tới tháng 9-1959, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vẫn chỉ thị Xứ ủy Nam Bộ chỉ sử dụng lực lượng vũ trang để tự
vệ, tuyên truyền, trừ gian, phục vụ nhiệm vụ chính trị, giành thắng lợi chính
trị, chứ chưa phải là giành thắng lợi quân sự[2]. Tháng 10-1959, Bí thư Xứ ủy Nam bộ
Nguyễn Văn Linh nhận
được điện của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về "Những
nội dung cơ bản của Nghị quyết 15” và tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Hội
nghị mở rộng đến Bí thư các Tỉnh ủy tại Trảng Chiên (Rùm Đuôn, căn cứ Bắc Tây
Ninh) quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Về đấu tranh vũ trang, Hội
nghị xác định: “Mọi hoạt động võ trang hiện nay đều nhằm phục vụ cho phong trào
đấu tranh chính trị, hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần
chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền khi có đủ điều kiện và thời cơ
thuận lợi”[3]. Tuy
nhiên trước yêu cầu phát triển mạnh của cách mạng miền Nam, ngày 21-1-1960, Xứ
ủy Nam bộ kiến nghị với Trung ương Đảng một số vấn đề về phương châm hoạt động
trong tình hình mới. Xứ ủy cho rằng trong điều kiện kẻ thù khủng bố phong trào
ngày càng khốc liệt thì hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tuyên
truyền không còn đủ sức để bảo vệ lực lượng cách mạng và đề nghị với Trung ương
Đảng cần nâng cao hơn mức độ sử dụng đấu tranh vũ trang. Nhận thức rằng, đấu
tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều giữ vai trò chủ yếu và quyết định đối
với phong trào đấu tranh, Xứ ủy Nam bộ phân tích: Cần kết hợp chặt chẽ giữa
việc giữ vững và đẩy mạnh phong trào, xem trọng cả hai mặt “đẩy mạnh” và “giữ
vững” mà không xem “giữ vững” là chủ yếu như trước[4];
từ đó, đề nghị:
Cần thiết phải phát động phong trào đấu tranh vũ trang mới
duy trì được phong trào và phát triển ra các vùng khác. Xứ ủy Nam Bộ mong muốn
Trung ương “cần có ngay kế hoạch, vì để lâu lực lượng ta mất đi nhiều, tinh
thần quần chúng sa sút, sau này có muốn chuyển cũng khó"[5]. Trước
yêu cầu của tình hình và tinh thần đấu tranh của nhân dân Nam Bộ, quan điểm của
Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam là Xứ uỷ nghiên cứu, áp dụng
Nghị quyết sát hợp với hoàn cảnh thực tế.
Được "bật đèn xanh", Liên
Tỉnh ủy miền Đông Nam bộ đã nhanh chóng phân công lực lượng về các tỉnh triệu tập
Hội nghị Tỉnh ủy để triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương và Nghị quyết của Xứ
ủy, chuẩn bị cho kế hoạch nổi dậy vũ trang khởi nghĩa ở các địa phương.
2- Trận đánh mở màn
đi vào lịch sử
Đông
Nam Bộ là một vùng đất có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng; vì thế,
trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi giành giật và
đọ sức của cả lực lượng cách mạng lẫn đối phương. Giáp với Đồng bằng Sông Cửu
Long về phía Nam, với Nam Tây Nguyên về phía Bắc, có đường biên giới với
Campuchia, là cửa ngõ vào trung tâm Sài Gòn, ở Đông Nam Bộ đã từng có các chiến
khu D, chiến khu Dương Minh Châu, là căn cứ địa của Bộ Tư lệnh một số phân
khu…. Đông Nam Bộ có những khu rừng bạt ngàn có thể che giấu những lực lượng vũ
trang to lớn, có những con đường huyết mạch nối với nhiều tỉnh thành khác nhau.
Có thể nói, vùng đất này đặc biệt quan trọng cho an ninh của Sài Gòn vì nó tiếp
cận Sài Gòn từ ba phía Đông, Bắc và Tây Bắc.
Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có vị trí chiến
lược trọng yếu, được Việt Nam cộng hòa xác định là địa bàn “phải đánh và giữ
cho đến khi toàn thắng cộng sản ở miền Nam”[6].
Là địa bàn đứng chân của Xứ ủy Nam bộ, Tây Ninh càng trở nên đặc biệt quan trọng
trong khí thế sục sôi của phong trào Đồng Khởi đang lan nhanh ở nhiều địa
phương của miền Nam Việt Nam.
Tại
Tây Ninh, cho đến thời điểm nói trên, phong trào đấu tranh của quần chúng đang
diễn ra khá mạnh mẽ; đồng thời, công tác binh vận và nội tuyến trong hàng ngũ của
địch được thực hiện tương đối tốt. Đặc biệt, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu
Long bắt đầu có những cuộc nổi dậy ngày càng tăng về quy mô (từ vừa đến lớn) và
mở rộng về địa bàn (liên xã, liên huyện). Đây là thời cơ chín muồi cho một trận
đánh chấn động mở màn để nhân dân đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền
ở nông thôn. Tiến công căn cứ Tua Hai là một trận đánh nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Tua Hai (thuộc huyện Châu Thành, Tây
Ninh) được quân đội Việt Nam cộng hòa
chọn làm căn cứ đóng quân của Trung đoàn 32 (thuộc Sư đoàn 13), có cố vấn Mỹ chỉ huy,
nhằm kiểm soát phong trào cách
mạng ở Tây Ninh. Cách thị xã Tây Ninh
6km về hướng Tây bắc, nằm
trên đường số 22 đi Campuchia, án ngữ hai mặt biên giới Việt Nam – Campuchia, được xây dựng trên một khu đất bằng với cấu
trúc hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 800m, xung quanh có tường đất cao hơn 1m
bao bọc, căn cứ Tua Hai Nơi có lực lượng canh phòng cẩn mật với hàng chục vọng
gác và ụ chiến đấu, quân số thường xuyên lên tới gần 2.000 người cùng với những
trang bị vũ khí hiện đại. Đây cũng là nơi đào tạo binh lính mới, huấn huyện biệt
kích và có kho súng đạn lớn cùng một nhà tù giam giữ hàng trăm cán bộ cách mạng
và đồng bào yêu nước. Đây cũng là nơi từ đó đối phương tập trung quân tổ chức
các cuộc càn quét đánh phá căn cứ cách mạng, song cũng tại nơi này, Tỉnh ủy Tây
Ninh đã xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến nòng cốt, sẵn sàng nắm bắt và báo
cáo tình hình địch.
Nhằm
đạt thắng lợi trọn vẹn, kế hoạch tấn công Tua Hai được chuẩn bị chu đáo với sự
tham gia của lực lượng nhiều đơn vị khác nhau dưới sự chỉ huy của các cán bộ
dày dạn kinh nghiệm[7].
Đêm
25 rạng 26-1-1960, trận đánh Tua Hai bắt đầu với bốn mũi bí mật áp sát đối
phương, bất ngờ tiến công vào mục tiêu chủ yếu và sau 3 giờ đã làm chủ được trận
địa, giành thắng lợi vang dội[8]. Chiến thắng Tua Hai đã
thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, đưa phong trào khởi nghĩa từng phần phát
triển nhảy vọt thành cao trào đồng khởi. Chiến thắng Tua Hai làm cho Mỹ và quân đội
Sài Gòn choáng váng, khiến hệ thống đồn bót của đối phương ở tỉnh bị rúng động.
Sau khi Tua Hai bị tấn công, lực lượng đối phương ở các đồn Hảo Đước, xóm Vịnh
đã bỏ chạy; một loạt đồn bốt dọc quốc lộ 22 Tây Ninh lên biên giới Campuchia,
các tỉnh lộ 13, lộ 4, lộ ủi Cần Đăng, Đồng Pan, đồn Thuận cũng rút chạy theo[9]. Chớp thời cơ, hàng loạt
huyện, xã ở Tây Ninh đã nổi dậy khởi nghĩa, tạo nên một cuộc đồng khởi trong
toàn tỉnh[10],
tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn từ vùng căn cứ rừng núi Bắc Tây Ninh nối
xuống đồng bằng sông Cửu Long, nối với các tỉnh miền Đông, vùng căn cứ vùng
Đông Bắc Sài Gòn, với Sài Gòn – Gia Định và miền Đông Campuchia, tạo thế liên
hoàn cần thiết cho một vùng căn cứ đầu não[11].
Dù
quy mô của trận đánh không thật lớn như nhiều trận đánh khác trong suốt chiều
dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, song Tua Hai đã
đi vào lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình vô cùng quan trọng của cách mạng miền
Nam- cách mạng miền Nam chuyển sang một thời kỳ mới mà “bà đỡ” của nó không ai
khác chính là chiến thắng Tua Hai.
3-Chiến thắng Tua Hai
- tiếp cận từ góc độ đồng đại
Nếu
như trước chiến thắng Tua Hai, lực lượng vũ trang cách mạng chủ yếu được sử dụng chống bắt bớ, lùng sục và hỗ trợ quần
chúng nổi dậy[12],
thì đến Tua Hai, lực lượng vũ trang cách mạng đã được sử dụng nhằm giáng một
đòn quân sự mạnh, làm đòn xeo phát động phong trào nổi dậy khắp vùng nông thôn
toàn miền Nam, một điển hình của "Đồng khởi" bắt đầu từ đòn tiến công
quân sự phối hợp với nổi dậy của quần chúng.
Như
vậy, nhìn theo chiều ngang, đặt
trong tương quan với những đòn tấn công quân sự cùng thời gian, thì ở Tua Hai, đấu
tranh quân sự của lực lượng vũ trang miền Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đột
phá về chất. Đó là một trận đánh lớn, lực lượng vũ trang đông nhất, mạnh
nhất của miền Nam lúc bấy giờ được được huy động và có sự hợp đồng tác chiến chặt
chẽ với đơn vị vũ trang địa phương và lực lượng quần chúng ở Tây Ninh cũng như
các vùng xung quanh, tạo sự phối hợp trên phạm vi nhiều tỉnh. Ngoài ra, trận
đánh có sự phối hợp với lực lượng nội tuyến được cài trong hàng ngũ của đối
phương- lực lượng này nắm bắt tình hình địch một cách chuẩn xác, báo cáo kịp thời,
mau lẹ cho bộ phận chỉ huy trận đánh, tạo hiệu suất chiến đấu cao. Tấn công một
căn cứ có lực lượng cấp trung đoàn, được trang bị vũ khí tối tân và phòng bị tốt,
lực lượng vũ trang Nam Bộ đã xây
dựng kế hoạch, phương án chiến đấu thích hợp, tận dụng triệt để các yếu tố bí
mật, bất ngờ, đánh sâu, đánh hiểm kết hợp tấn công đồng loạt trên nhiều hướng,
tạo thế áp đảo giành thắng lợi trong thời gian ngắn, khắc phục điểm yếu về
tương quan lực lượng.
Những
đặc điểm nêu trên không chỉ làm nên một chiến thắng Tua Hai thổi nên tiếng
kèn hiệu lệnh phát động nhân dân miền Đông Nam bộ đồng loạt nổi dậy, mà còn
hình thành nên một “cách đánh Tua Hai” độc đáo. “Cách đánh Tua Hai” nhanh chóng
được phổ biến: Ở Long An, lực lượng vũ trang tỉnh (Tiểu đoàn 506) tập kích đồn
Đức Lập, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến
Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Trụ…; ở Kiến Tường, lực lượng vũ
trang Tỉnh cùng lực lượng vũ trang huyện và cơ sở đã vây đánh các đồn địch, mở
màn cho cuộc nổi dậy của nhân dân các xã, huyện trong tỉnh; ở Mỹ Tho, đơn vị vũ
trang 514 của Tỉnh mở đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền từ ngày 25-2-1960 hỗ
trợ cho nhân dân nổi dậy; ở Gò Công, các tổ vũ trang cũng được phân công mở đầu
cho các hoạt động khởi nghĩa…Dưới tác động của chiến thắng Tua Hai, phong trào
đồng khởi vũ trang lan sang các tỉnh Long An, Kiến Tường, Thủ Dầu Một, Biên
Hoà, Bà Rịa, Chợ Lớn, đến cả vùng Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh, Dĩ An,
Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định, ngoại vi thành phố Sài Gòn…
Nhìn
chung lại, tiếp cận chiến thắng Tua Hai từ góc nhìn đồng đại, ít nhất có thể nhận
thấy ba khía cạnh nổi bật: 1-Tua Hai khác biệt trên mọi phương diện trong so
sách với các cuộc đấu tranh có lực lượng vũ trang tham gia trước đó; 2-Tua Hai là
hình mẫu tiêu biểu, có ảnh hưởng to lớn đối với nhiều trấn đánh quyết định sau
này; 3- Tua Hai khởi đầu và tạo điều kiện cho một làn sóng đấu tranh sôi sục, rộng
khắp miền Đông Nam Bộ với đòn tiến công quân sự là nòng cốt hỗ trợ quần chúng nổi
dậy.
Với
những khía cạnh độc đáo đó, chiến thắng Tua Hai chính là cánh én báo hiệu những
thắng lợi to lớn tiếp theo, báo hiệu về một mùa Xuân đại thắng sau này.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 82.
[2] Viện
Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử biên niên Xứ
ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2008, tr.186.
[3] Nghị quyết Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ lần thứ tư, tháng 11-1959, Lưu
tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
[4] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr.106.
[5] Viện
Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử biên niên Xứ
ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Sđd, tr.187.
[6] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây
Ninh: Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Tây
Ninh (1954-1975), Ban Khoa học lịch sử quân sự xuất bản, 2004, tr.657.
[7] Lực lượng sử dụng
được chọn ở các đơn vị đại đội C59, C60, C70, C80A, C80 đặc công Miền và đơn vị
B30, một đơn vị của Bình Xuyên. Ban chỉ huy trận đánh là Nguyễn Hữu Xuyến - Chỉ
huy trưởng; Mai Chí Thọ - Chính ủy. Tổng quân số là 300 người và hơn 300 dân công phục vụ; trang bị
gồm 1 đại liên, 4 trung liên, 100 súng trường, tiểu liên và 70 trái nổ, thủ
pháo.
[8]
Rút khỏi trận địa, lực lượng vũ trang cách mạng
tổ chức 3 xe ô tô thu được của địch chở chiến lợi phẩm, vũ khí, nhưng trên
đường về căn cứ bị truy kích nên buộc phải bỏ xe vận chuyển vũ khí lại. Trong
trận này, đã tiêu diệt 76 binh lính, bắt hơn 400 lính, thu hơn 1.000 súng, có 2
súng cối 81mm, 2 súng DKZ 57mm, 25 máy thông tin.
[9]
Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1954), Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.182.
[10] Đến đầu tháng 7-1960, nhân dân và lực lượng vũ trang
Tây Ninh đã xóa 30 trong tổng số 60 đồn bót của quân đội Sài Gòn trên toàn tỉnh,
giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã trên tổng số 49 xã của tỉnh,
địch chỉ còn kiểm soát 6 xã.
[11] Cuối năm 1961, Trung ương Cục đã quyết định chọn vùng Bắc Tây Ninh làm nơi xây dựng căn cứ của Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền. Đầu năm 1962, các cơ quan lãnh đạo và chủ huy của Miền chính thức về đóng tại Tây Ninh.
[12]
Điển hình như các trận đánh của Tiểu đoàn 502 và Đại đội 271 tại Giồng Thị Đam
và Gò Quản Cung (Đồng Tháp Mười, tỉnh Kiến Phong) vào ngày 26-9-1959 chống lại
cuộc càn quét cấp trung đoàn của quân đội Sài Gòn. Hay như Tiểu đoàn 502 hỗ trợ
nhân dân ở bốn huyện Tả ngạn sông Tiền đấu tranh bức rút đồn Vĩnh Huê, Cầu Sắt,
giải phóng xã Thạnh Mỹ, Tân Mỹ. Hoặc cuối năm 1959, ở các huyện tả ngạn sông Tiền,
một số xã vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh, các lực lượng vũ trang
đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền. Tương tự, tại Bến Tre, được sự hỗ trợ của
các đội vũ trang tự vệ, quần chúng các xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh nổi
dậy giành chính quyền…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!