Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

TỔNG HÀNH DINH TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

 PGS.TS. Hồ Khang, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn bằng chiến dịch Tây Nguyên mà trận đột phá chiến lược là việc đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Để có được thắng lợi to lớn trong một trận chiến làm xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến trường, tạo cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975, Tổng hành dinh[1] đã có những quyết định và sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, linh hoạt, thể hiện tầm nhìn chính xác và bản lĩnh quân sự vững vàng.

1- Khởi thảo kế hoạch và lập phương án tác chiến cho chiến dịch

Ngày 7-1-1975, khi bàn về tình hình và nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam khẳng định rằng, đã nhìn thấy “chính xác hơn hơn thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”[2]. Thực hiện mục tiêu đó, Tây Nguyên được lựa chọn là chiến dịch mở màn và “mở trận đầu đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thọc thẳng xuống Tuy Hoà, Phú Yên, cắt đồng bằng Khu V ra làm đôi, tạo thêm một hưóng nữa để tiến nhanh vào phía nam vây ép Sài Gòn”[3].

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị, ngày 9-1-1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp bàn về nhiệm vụ quân sự năm 1975. Cùng tham dự có các gương mặt chủ chốt của Quân đội như Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân khu V Võ Chí Công, Thượng tướng Chu Huy Mân, Trung tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Hoàng Minh Thảo. Qua bàn bạc, thảo luận, Hội nghị nhất trí cao “chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, trong đó Buôn Ma Thuột là mục tiêu tấn công đầu tiên”[4]; đồng thời, quán triệt phương châm “cách đánh phải mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch và bắc Tây Nguyên và Trị -Thiên”[5]. Để đảm bảo thắng lợi của chiến dịch, Thường vụ Quân ủy Trung ương lưu ý cần làm tốt công tác binh vận, đảm bảo tốt kỷ luật chiến trường, nghiêm chỉnh thực hiện chính sách vùng giải phóng, chính sách tù hàng binh…Như vậy, đầu năm 1975, Tổng hành dinh đã có một quyết định sáng suốt khi chọn Tây Nguyên (nơi vừa có rừng núi, vừa có cao nguyên, lại là nơi có đường Hồ Chí Minh chiến lược đi qua)  và ở Tây Nguyên lại chọn Buôn Ma Thuột (nơi hiểm yếu nhất và cũng là nơi sơ hở nhất của đối phương) làm chiến dịch mở màn, nghi binh đánh lạc hướng đối phương, làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo trên chiến trường.

Cùng với việc chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, công tác lên kế hoạch và phương án tác chiến cũng được xúc tiến một cách khẩn trương. Trước tiên là việc điều động Tổng tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng vào chiến trường (15-1-1975), trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên; thành lập Đoàn công tác mang mật danh “Đoàn A.75” tháp tùng Đại tướng và thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên[6]. Trước ngày đoàn lên đường, Đại tướng Văn Tiến Dũng trao đổi ý kiến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Văn Thái về cách đánh trong chiến dịch Tây Nguyên. Ba vị tướng dày dạn kinh nghiệm quân sự đã bàn bạc kỹ lưỡng và tìm ra phương án tác chiến tối ưu trên quan điểm: Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ cao độ, mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước, bảo đảm chắc thắng ngay từ trận đầu; tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nêu ra hai phương án đánh Buôn Ma Thuột; theo đó: 1. Nếu Quân đội Sài Gòn chưa tăng cường lực lượng thì đánh ngay. 2. Nếu Quân đội Sài Gòn tăng cường lực lượng ở Buôn Ma Thuột thì dụ đối phương ra ngoài, đánh viện tiêu diệt lực lượng đối phương ở Cẩm Ga và Thuần Mẫn. Đại tướng cũng lưu ý thêm rằng, trong cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng phải thực hiện nghi binh thật tốt, gồm nghi binh ở hướng Trị - Thiên và ở hướng Kon Tum, Pleiku.

Một thời gian ngắn sau khi vào tới chiến trường Tây Nguyên, từ ngày 17 đến ngày 19-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng họp bàn phương án tác chiến với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Các ý kiến bàn luận về mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch đạt được sự thống nhất cao, song liên quan đến cách đánh thì có nhiều quan điểm khác nhau và có những bước phát triển mới, cụ thể là: Thứ nhất, sử dụng lực lượng tương đối lớn để cắt các đường giao thông, tạo ra thế chia cắt đối với Quân đội Sài Gòn về chiến lược; đồng thời, tích cực hoạt động nghi binh, giam chân đối phương, thu hút sự chú ý và lôi kéo lực lượng của đối phương về phía bắc Tây Nguyên, đánh lạc hướng mục tiêu tấn công là Buôn Ma Thuột; thứ hai, trận then chốt mở đầu chiến dịch là đánh chiếm Buôn Ma Thuột phải chắc thắng bằng cách tổ chức lực lượng đột kích binh chủng hợp thành bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm vững chắc các bàn đạp bên trong xong mới từ trong thị xã đánh ra ngoài tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy[7].

Phương án tác chiến được báo cáo về Tổng hành dinh và được nhất trí thông qua với ý kiến chỉ đạo: “Mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước nếu địch ở đây tương đối sở hở, ta có điều kiện giành thắng lợi bất ngờ, tiêu diệt địch, tiếp đó nhanh chóng phát triển thắng lợi”[8]. Tổng hành dinh lưu ý thêm rằng, “cần tranh thủ bất ngờ cao độ, bảo đảm trận đầu thắng giòn giã, có kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời”[9].

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng hành dinh, trước khi thực hành chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị nghi binh đánh mạnh hơn nữa nhằm làm cho đối phương lún sâu vào những nhận định sai lầm. Ngày 25-2-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng phê chuẩn quyết tâm chiến đấu của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề về cách đánh hiệp đồng quân binh chủng vào một thị xã lớn; chỉ rõ các nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết tốt sau khi giải phóng thị xã. Trong các ý kiến chỉ đạo, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo yếu tố bất ngờ: “Phải bằng mọi biện pháp, mọi hình thức, tập trung suy nghĩ, ra sức giữ bí mật, để bất ngờ đánh theo phương án địch chưa có tăng cường thêm lực lượng”[10]. Như vậy, đến cuối tháng 2-1975, sau rất nhiều tính toán, bàn bạc và cân nhắc, cuối cùng, kế hoạch, phương án tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên đã được hoàn tất, chỉ còn đợi thời điểm thích hợp mở màn chiến dịch.

2- Chỉ đạo công tác chuẩn bị cho chiến dịch

Ngay khi phương án mở chiến dịch Tây Nguyên được Bộ Chính trị đề cập đến và được Thường vụ Quân ủy Trung ương nhấn mạnh lại trong cuộc họp ngày mùng 9-1-1975, công tác chuẩn cho chiến dịch lập tức được khởi động.

Ngày 10-1-1975, Bộ Tổng tham mưu điều động Sư đoàn 10 từ khu vực bắc Trạm 7 vào hướng chiến trường Tây Nguyên, sử dụng Trung đoàn vận tải 25 (Cục Vận tải, Tổng Cục Hậu cần) làm đơn vị vận chuyển[11]. Ngày 24-1-1975, Bộ Tổng tham mưu tăng cường đội điều trị của Quân đoàn 1 vào phối thuộc cho mặt trận Tây Nguyên trong vòng 6 tháng[12]. Ngày 27-1-1975, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân bố trí và sử dụng lực lượng trên các chiến trường; theo đó, tại mặt trận Tây Nguyên, ngoài hai trung đoàn cao xạ hiện có của Mặt trận, điều Sư đoàn 377 tập trung bảo vệ tuyến hành lang chiến lược từ Bến Giằng đến giáp miền Đông Nam Bộ[13]. Trong tháng 1- 1975, Trung đoàn ô tô 525 vận chuyển Sư đoàn 316 từ Tân Kỳ (Nghệ An) vào Đắc Đam (Đắk Lắk); Trung đoàn ô tô 510B vận chuyển Sư đoàn 312 vào chiến trường tham gia chiến dịch.

Bước sang tháng 2-1975, công tác chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Tây Nguyên được đẩy mạnh. Ngày mùng 1-2-1975, Bộ Tổng tham mưu đã tăng cường lực lượng công binh cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Theo Mệnh lệnh số 07ML-TL, đã điều động một tiểu đoàn cầu phà (đầy đủ quân số và trang bị) thuộc Bộ Tư lệnh công binh phối thuộc với Mặt trận Tây Nguyên[14]. Ngày 8-2-1975, Bộ  Tổng tham mưu chỉ đạo cho Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân cùng với Cục Quân lực, Cục Tác chiến nghiên cứu kế hoạch chấn chỉnh, củng cố lại lực lượng cao xạ của Mặt trận Tây Nguyên khi hình thành quân đoàn.

Về công tác hậu cần, Hậu cần Mặt trận Tây Nguyên đã dự trữ được 10.603 tấn quân trang, quân nhu; trong đó, có 2.824 tấn đạn, 1.421 tấn xăng dầu, 6.289 tấn hàng quân nhu, với lương thực, thực phẩm đủ bảo đảm cho lực lượng toàn mặt trận trong 5 đến 6 tháng[15]. Lực lượng quân y được bố trí tương đối hợp lý, phân tuyến rõ ràng, ở tuyến sư đoàn và chiến dịch sử dụng vận tải cơ giới là chủ yếu.

Tổng cục Kỹ thuật bổ sung cho các đơn vị của Mặt trận Tây Nguyên "5.602 xe ô tô các loại, ngành kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 2.034 xe làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu và phục vụ các đơn vị"[16]. Tổng cục tổ chức các cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên toàn tuyến, từ Bắc Kon Tum đến Đồng Xoài (Bình Phước), bảo đảm sửa chữa thường xuyên và đột xuất các loại xe máy, súng pháo và vũ khí trang bị của các đơn vị hành quân. Ngành quân khí phối hợp với lực lượng kỹ thuật của Quân khu V và bộ đội địa phương tổ chức kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng và cấp phát vũ khí đạn dược cho các lực lượng vũ trang ở Tây Nguyên[17]. Các tổ, đội, trạm sửa chữa cơ động của các ngành quân giới, quân khí, quản lý xe - máy thuộc Tổng cục kỹ thuật được điều vào Tây Nguyên cùng cơ quan kỹ thuật chiến dịch kiểm tra, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, đưa hệ số kỹ thuật vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu từ 71,7% lên 99,5%[18]. Phương thức bảo đảm kỹ thuật cho chiến dịch được xác định là kết hợp bảo đảm tại chỗ và bảo đảm cơ động, hình thành hoàn chỉnh tổ chức bảo đảm kỹ thuật khu vực cho chiến dịch.

Từ trung tuần tháng 1-1975, có mặt tại Quảng Bình, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Đinh Đức Thiện đích thân đôn đốc việc vận chuyển đạn dược, vũ khí, khí tài, nhu yếu phẩm... vào Tây Nguyên. Mọi yêu cầu của chiến dịch đều được Đoàn 559 đáp ứng đầy đủ, từ gạo, đạn đến xăng dầu… Đoàn 559 mở thêm nhiều đoạn đường phục vụ công tác vận tải cho chiến trường, xây dựng và củng cố mạng lưới đường chiến lược Đông và Tây Trường Sơn, nối liền đến Lộc Ninh; nhờ đó, các chuyến xe vận tải chở đầy quân trang, quân nhu cung cấp cho chiến dịch Tây Nguyên có thể chạy thông suốt ngày đêm.

Hậu cần Mặt trận Tây Nguyên được tăng cường lực lượng và điều chỉnh thế bố trí các căn cứ hậu cần cánh Bắc, căn cứ cánh giữa và căn cứ cánh Nam bảo đảm cho các hướng tiến công. Thường vụ Khu uy Khu V còn cử một Ủy viên Thường vụ Khu uỷ (ông Bùi San) cùng một số cán bộ đại diện các ngành ở bên cạnh Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch để chỉ đạo trực tiếp ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, huy động mọi tiềm lực của địa phương phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Với những nỗ lực to lớn đó, từ ngày 4 -3 đến ngày 3 - 4 -1975, hậu cần - kỹ thuật cho Chiến dịch Tây Nguyên đã được bảo đảm đầy đủ và kịp thời “với 3.145 tấn vật chất các loại, trong đó có 690 tấn đạn, 1.324 tấn xăng dầu; hệ số kỹ thuật xe đạt 72,4 đến 78%; hệ số kỹ thuật pháo bảo đảm 79,7%, sửa chữa nhỏ và sửa chữa vừa cho pháo 476 lần, cho xe 4.215 lần”[19].

3- Chỉ đạo chiến dịch

Như đã trình bày, phương án tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên là đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột; tuy nhiên, do là việc bố trí lực lượng ở chiến trường Tây Nguyên có khác với dự kiến của cơ quan chiến lược (Sư đoàn 10 và nhiều đơn vị khác đã được các chỉ huy tại chỗ bố trí từ Đức Lập đến Đắc Soong trên đường 14 theo ý đồ trước đây là đánh mở thông hành lang vận chuyển chiến lược vào Nam Bộ), nên kế hoạch có chút thay đổi. Đại tướng Văn Tiến Dũng quyết định thực hiện đánh Đức Lập; đồng thời cài thế bao vây, cô lập Buôn Ma Thuột; đánh xong Đức Lập sẽ lập tức điều Sư đoàn 10 và một số đơn vị về  tham gia đánh Buôn Ma Thuột[20]. Thực hiện những điều chỉnh trên, ngày 4-3-1975, Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tiêu diệt một loạt vị trí, cắt đường 19 ở An Khê, còn đêm 5-3, Trung đoàn 25 cắt đường 21 ở phía đông Chư Cúc, diệt một đoàn xe 80 chiếc, khiến Tây Nguyên bước đầu bị cô lập với đồng bằng. Ngày 9-3-1975, Sư đoàn 10 nổ súng đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, trên hướng bắc, Quân giải phóng tiêu diệt quận lỵ Thanh An, áp sát, uy hiếp thị xã Pleiku - thế chiến lược bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột đã được cài xong và đến thời điểm này, Quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa hề biết ý định cũng như hướng tiến công của Quân giải phóng, lo đối phó ở hướng bắc Tây Nguyên, rút bớt lực lượng ở nam Tây Nguyên lên tăng viện cho Pleiku.

Trong tình hình thuận lợi đó, lúc 1 giờ 55 phút sáng 10-3-1975, trận tấn công Buôn Ma Thuột bắt đầu. Ngày 11-3-1973, Đại tướng Văn Tiến Dũng báo cáo Bộ Tổng tư lệnh về việc giải phóng Buôn Ma Thuột, nêu rõ  đã làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột; các mục tiêu quan trọng đều chiếm giữ được, bắt được một số lượng lớn tù hàng bình và thu giữ nhiều chiến lợi phẩm[21]. Nhận được tin, Quân ủy Trung ương điện chỉ đạo Đại tướng Văn Tiến Dũng kịp thời nắm thời cơ, giành thắng lợi ở Mặt trận Tây Nguyên, yêu cầu tiếp tục tiêu diệt địch, hoàn thành thế bao vây Pleiku, thực hiện thế chia cắt chiến lược và phải chỉ huy bảo vệ vững chắc Buôn Ma Thuột[22].

Trong không khí phấn khởi trước chiến thắng trên chiến trường Tây Nguyên, ngày 11-3-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Sở chỉ huy, thảo luận về sự phát triển thế và lực của Quân giải phóng, sự suy sụp của Quân đội Sài Gòn, đề cập đến khả năng địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Hội nghị chỉ rõ cục diện chiến trường đang chuyển biến mau lẹ, cần nắm bắt thời cơ kịp thời.

Để đảm bảo vững chắc thắng lợi của chiến dịch; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự, chính trị ở Huế, Trị - Thiên, Đà Nẵng, trong hai ngày 12 và 13-3-1975, Quân ủy Trung ương chỉ đạo phải “nhanh chóng tập trung lực lượng hơn nữa, tiêu diệt các đơn vị và các căn cứ của địch xung quanh Buôn Ma Thuột, tiêu diệt viện binh của chúng”[23] bởi thực hiện thắng lợi mục tiêu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch. Bộ Tổng tư lệnh nhấn mạnh rằng, nhân đà thắng lợi cần triển khai tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch tại Buôn Ma Thuột và các vùng phụ cận. Ngày 15-3-1975, Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu Đại tướng Văn Tiến Dũng tập trung binh lực, nhanh chóng giải phóng nam Tây Nguyên, khẳng định “ta có đầy đủ điều kiện để tiêu diệt toàn bộ binh lực địch"[24]. Nhìn chung, tình hình phát triển rất nhanh chóng và thuận lợi, đòi hỏi cơ quan chiến lược và toàn quân chuẩn bị nhanh hơn về mọi mặt.

Nắm bắt các diễn biến trên chiến trường, ngày 18-3-1975, Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm 1975-1976 ngay trong năm 1975[25]. Như vậy, sau gần một tháng chiến đấu, đến ngày 24-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng Tây Nguyên, Quân giải phóng nhanh chóng tiến xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược, trở thành cơ sở quan trọng để chuyển hóa các kế hoạch mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra trước đó phù hợp với tình hình.

*                    *

*

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã làm rung chuyển, đảo lộn thế trận của Quân đội Sài Gòn, làm binh lính hoảng sợ và hỗn loạn, tạo nên thế trận thuận lợi để Quân giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên, chia cắt những quân khu miền Trung của Việt Nam Cộng hòa, khiến chính quyền Sài Gòn rơi vào thế bị động, lúng túng. Chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên thực sự trở thành đòn điểm huyệt đối với chế độ Sài Gòn, báo trước về sự cáo chung đang đến gần. Kết quả đó có được trước tiên là nhờ sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân trên chiến trường; trong đó, Tổng hành dinhvới sự nắm bắt tình hình chiến trận nhạy bén, với những phân tích, dự báo chính xác, với những quyết sách kịp thời, quyết đoán là một trong những yếu tố quan trọng, hàng đầu làm nên chiến thắng ấy. Tầm nhìn chiến lược cũng như những chỉ đạo sáng suốt, linh hoạt của Tổng hành dinh trong Chiến dịch Tây Nguyên năm ấy đã đóng góp một phần to lớn vào kho tàng nghệ thuận quân sự Việt Nam và để lại những kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay.

 



[1] Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì “Tổng hành dinh” (hay còn gọi là Bộ thống soái tối cao) được cấu thành từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng với các cơ quan của nó là Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật… [Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr.2-3].

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004,  tr.6.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Sđd, tr.6.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Sđd, tr.1235.

[5]  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Sđd, tr.1235.

[6] Ngày mùng 5-2-1975, Đoàn A.75 lên đường và đến ngày 13-2-1975, Đoàn vào đến Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên[6]. Tại Sở chỉ huy tiền phương của Bộ ở Tây Nguyên, thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng công bố quyết định Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, gồm: Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh; Đặng Vũ Hiệp- Chính uỷ; Vũ Lăng, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang, Phan Hàm- Phó Tư lệnh; Phí Triệu Hàm - Phó Chính uỷ [Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2009, tr.602; xem thêm: Lịch sử bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, Biên niên sự kiện (1954-2000),  Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội , 2002, tr.353].

[7] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tuyển tập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.609.

[8] Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu, Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tập XI, tr.59.

[9] Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu, Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Sđd, tập XI, tr.59.

[10] Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tuyển tập, Sđd, tr.11.

[11] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tài liệu lưu trữ, phông Bộ Tổng tham mưu, hồ sơ số 1826.

[12] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, hồ sơ số 1873.

[13] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, hồ sơ số 1857.

[14] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, hồ sơ số 1862

[15] Báo Quân đội Nhân dân, ngày 1-3-2015.

[16] Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 364.

[17] Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 363.

[18] Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 363.

[19] Lịch sử Kỹ thuật quân sự Việt Nam (Giản yếu), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.316.

[20] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tài liệu lưu trữ, phông Cục Tác chiến, hồ sơ số 7692.

[21] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tài liệu lưu trữ, Tlđd, hồ sơ số 7692.       

[22] Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu, Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Sđd, tập XI, tr.93-94.

[23] Điện lưu tại Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu.

[24]Điện lưu tại Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu.

[25] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Sđd, tr.226.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!