Trung tá, ThS.Nguyễn Văn Trí, Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với tự lực cánh sinh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ngừng tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, nhất là của Liên Xô và Trung Quốc, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc từng bước đi đến thắng lợi. Góp phần tìm hiểu nỗ lực đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường những năm từ 1965 đến 1973.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào công cuộc
khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954), Đảng và Nhà nước ta đã sớm
quan tâm đến công tác phòng chống phong tỏa đường sông, biển bằng các loại vũ
khí dưới nước. Để xây dựng lực lượng, phát triển năng lực này, Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đã đề nghị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Xô Viết về giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ, sĩ quan công binh hải quân
chuyên về thủy lôi và viện trợ tàu chiến có khả năng phá gỡ loại vũ khí này.
Theo đó, từ năm 1955, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu được Quân Giải phóng
nhân dân Trung Quốc giúp đào tạo sĩ quan công binh chuyên về thủy lôi. Khóa huấn
luyện về thủy lôi đầu tiên năm 1955 có 2 cán bộ thuộc Cục Phòng thủ bờ biển.
Năm 1956, lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Trung Quốc
viện trợ 4 tàu chiến có trang bị máy cắt lôi. Về phía Liên Xô, từ đầu thập niên
60 của thế kỷ XX, cùng với viện trợ tàu chiến, bạn cử chuyên gia tham mưu giúp
ta xây dựng chương trình huấn luyện, kế hoạch tổ chức lực lượng và rà phá thủy
lôi chống phong tỏa sông, biển. Cuối năm 1966, khi Mỹ tiến hành rải một số thủy
lôi, bom cảm thụ chấn động chuẩn bị cho cuộc phong tỏa sông, biển miền Bắc trên
diện rộng, 3 chuyên gia Liên Xô về thủy lôi đã trao đổi, giới thiệu cho các cán
bộ quân đội ta về: Cách quan sát, phát hiện, phân biệt các loại thủy lôi; cách
tháo gỡ và một số kiểu, loại bẫy chống tháo gỡ đầu nổ thủy lôi; kinh nghiệm rà
phá thủy lôi của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai[1].
Những
nội dung mà chuyên gia bạn truyền đạt tuy là tri thức, kinh nghiệm về thủy lôi
và chống phong tỏa thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai, không phải những
thông tin và cách đối phó những vũ khí dưới nước đương đại của Mỹ, nhưng đó là
những tri thức và kinh nghiệm quí giá góp phần giúp chúng ta xây dựng một thế
trận khoa học để đối phó có hiệu quả với chiến tranh phong tỏa bằng vũ khí dưới
nước của địch; trong đó, đáng chú ý là hệ thống trận địa thông tin - quan sát, kịp
thời phát hiện, xác định được điểm rơi thủy lôi, bom từ trường mà máy bay địch
thả xuống, góp phần hạn chế tác hại mà vũ khí địch gây ra và giúp lực lượng
chuyên trách nhanh chóng tiếp cận, tháo gỡ phục vụ nghiên cứu, tìm cách rà phá.
Những tri thức và kinh nghiệm ấy cũng giúp chúng ta tạo dựng đội ngũ cán bộ công
binh với kiến thức, kỹ thuật rất cơ bản về chống vũ khí dưới nước để đảm đương một
nhiệm vụ quann trọng hàng đầu trong quá trình rà phá vũ khí địch là tháo gỡ đầu
nổ của phá thủy lôi và bom từ trường Mỹ thả xuống. Tháng 3 năm 1967, tổ công
tác của Đội 8 công binh Hải quân do Đại úy Trương Thế Hùng phụ trách đã bản
lĩnh, khéo léo tháo gỡ thành công đầu nổ của thủy lôi MK-50 và MK-52[2].
Đầu tháng 9 năm 1967, lực lượng công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh tháo gỡ được
đầu nổ MK-42 Model 0 của bom DST-36. Những “vật mẫu” quí giá này nhanh chóng được
chuyển đến lực lượng chuyên nghiên cứu cách phá vũ khí dưới nước của địch.
Nghiên cứu, tìm cách rà phá thủy lôi, bom từ trường không
chỉ đòi hỏi kiến thức về vũ khí dưới nước mà còn cần tri thức về nhiều chuyên
ngành khoa học kỹ thuật khác, nhất là về khoa học vật lý, cơ khí điện, điện tử,
tự động hóa… Vì vậy, cùng với số cán bộ “chuyên sâu” về thủy lôi, nhiều cán bộ chuyên
môn kỹ thuật được các nước trong khối xã hội chủ nghĩa giúp đào tạo cũng được huy
động vào công tác nghiên cứu, tìm cách phá và thiết kế phương tiện phá bom, thủy
lôi, bom từ trường địch[3]. Tháng 4 năm 1967, bộ phận
nghiên cứu thủy lôi thuộc Bộ Giao thông vận tải chế tạo ra thiết bị phóng âm từ
PĐ 67-1. Tháng 9 và tháng 10 năm 1967, bộ phận nghiên cứu thủy lôi thuộc Bộ Quốc
phòng lần lượt tìm ra được cơ chế hoạt động của thủy lôi MK-50, MK-52 và bom DST-36:
Thủy lôi MK-50 hoạt động theo nguyên lý cảm ứng âm thanh; thủy lôi MK-52 và bom
DST-36 hoạt động theo nguyên lý cảm ứng từ trường. Cái tên bom “tinh khôn” đầy
bí ẩn mà Mỹ gán cho bom DST-36 được định danh lại là bom từ trường kể từ thời
điểm này. Từ những kết quả nghiên cứu đó, Quân chủng Hải quân chế tạo thiết bị
phóng từ HDL-9, sau đó là các biến thể phóng từ HT-5, HT-6; Bộ Giao thông vận tải
cải tiến thiết bị phóng âm từ PĐ 67 phiên bản 1 lên phiên bản 2… Các thiết bị
rà phá mới phát triển đó khẩn trương được đưa vào tác chiến ở những địa bàn trọng
điểm, dần phá gỡ các hàng rào thủy lôi, bom từ trường của địch, góp phần đảm bảo
chi viện cho các chiến trường. Riêng năm 1968, công tác vận tải cho các chiến
trường Lào và miền Nam vẫn đảm bảo được 86% kế hoạch[4].
Việc
Việt Nam rà phá thành công các thủy lôi và bom từ trường, đánh sập những hàng
rào phong tỏa sông, biển buộc Mỹ phải cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí đó để
phục vụ cho cuộc phong tỏa miền Bắc kế tiếp. Trong cuộc phong tỏa sông, biển miền
Bắc lần thứ hai của Mỹ (từ ngày 9/5/1972 đến tháng 1/1973), thủy lôi MK-52 và
bom từ trường DST-36 cải tiến của Mỹ với nhiều chế độ nổ mới, “thông minh” hơn như
định nổ theo giờ, theo lần, theo trọng lượng của tàu đi qua đã gây ra nhiều khó
khăn cho lực lượng rà phá của Việt Nam. Các phương tiện phóng từ, phóng âm được
sáng chế từ trong cuộc chiến chống phong tỏa lần thứ nhất không mang lại hiệu
quả chiến đấu cao, nhất là khi đối đầu với thủy lôi MK-52 cải tiến. Do đó, các
cảng sông, biển từ Hải Phòng đến sông Gianh, Cửa Hội dần bị tắc nghẽn, ngừng hoạt
động. Riêng cảng Hải Phòng sau ngày 9 tháng 5 năm 1972 có đến 26 tàu của các nước
bạn phải neo lại ở bến đậu[5].
Trước
tình hình đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vận động các nước bạn trực tiếp giúp phá,
gỡ các hàng rào phong tỏa sông, biển, đồng thời xúc tiến nghiên cứu, tìm cách
rà phá các vũ khí mới cải tiến của địch. Trong vận động các nước bạn tham gia chống
địch phong tỏa, ta đề nghị các nước bạn cho hàng viện trợ quá cảnh cảng Trạm
Giang ở Quảng Đông của Trung Quốc để đưa vào miền Bắc qua đường bộ hoặc các đường
biển nhỏ ở khu vực đông bắc[6].
Riêng với Trung Quốc, ta đề nghị bạn chuyển thẳng hàng viện trợ đến các điểm nhận
ở Khu 4, đồng thời giúp xây dựng hai đường ống dẫn xăng và dầu điêzen xuyên
biên giới vào miền Bắc nước ta[7].
Không chỉ đề nghị giúp duy trì mạch tiếp vận, ta còn vận động các nước bạn dùng
những tàu đang tạm thời bị kẹt ở khu vực cảng Hải Phòng vừa làm điểm chứa hàng
tạm thời vừa làm trạm quan sát xác định vị trí thủy lôi, bom từ trường địch thả
xuống[8].
Đặc biệt, ngay sau khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề
nghị Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ sản xuất các phương tiện rà phá thủy lôi, bom
từ trường và tổ chức lực lượng phối hợp rà phá vũ khí đó của địch. Theo đó, từ
giữa năm 1972, Trung Quốc và Liên Xô lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến miền Bắc
nước ta nghiên cứu về thủy lôi, bom từ trường của Mỹ; từ mùa Thu năm 1972, lực lượng
chuyên trách của hai nước bắt đầu triển khai phá, vớt thủy lôi, bom từ trường Mỹ
ở khu vực cảng Hải Phòng và lân cận: Phía Trung Quốc huy động 12 tàu quét mìn
cùng một tổ 20 thợ lặn[9];
phía Liên Xô cử 40 chuyên gia và một tổ thợ lặn 10 người với 36 tấn thiết bị
chuyên dụng[10]. Đối
với Trung Quốc, ta còn đề nghị bạn giúp sản xuất các thiết bị phóng lôi kiểu
480, 311 và cung cấp một số máy phát điện, công cụ phục vụ thiết kế, chế tạo
phương tiện và tàu phóng từ kiểu kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu vũ khí cải tiến của
địch, nguồn lực do các nước bạn trong khối xã hội chủ nghĩa giúp tạo dựng được
huy động mạnh mẽ hơn. Theo đó, nhiều kỹ sư, phó tiến sĩ, tiến sĩ về vật lý, điện,
điện tử, tự động hóa…, thuộc Trường Đại học Bách khoa được giao nhiệm vụ nghiên
cứu, tìm cách rà phá an toàn, hiệu quả thủy lôi, bom từ trường cải tiến vừa được
Mỹ thả xuống. Lực lượng này cùng một số cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải tổ
chức thành nhóm nghiên cứu thủy lôi, bom từ trường mang tên GK với 4 tổ công
tác; trong đó, tổ GK1 do Tiến sĩ Vũ Đình Cự đứng đầu[11],
có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về thủy lôi MK-52, bom từ trường DST-36; xây dựng
hệ thống đo lường chính xác, tìm ra thông số kỹ thuật, cung cấp tư liệu để các
đơn vị thiết kế phương tiện rà phá. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1972, sử dụng
phòng thí nghiệm Liên Xô mới viện trợ Trường Đại học Bách khoa, GK1 lần lượt tổ
chức nghiên cứu đầu nổ của thủy lôi MK-52 và bom từ trường DST-36. Riêng với thủy
lôi MK-52, GK1 không chỉ là tìm cách kích nổ mà hướng đến tìm cách kích phá an
toàn loại thủy lôi tiên tiến này của địch để tránh được thương vong cho bộ đội
ta khi làm nhiệm vụ. Đạt được mục tiêu đó, các nhà khoa học GK1 phải tính được:
Khoảng cách giữa thiết bị phóng từ với thủy lôi; góc tạo bởi trục của cuộn dây
cảm ứng từ với tâm quả thủy lôi; qua đó, xác định thông tin về cường độ dòng điện
và số vòng dây cần thiết để phóng xung từ trường, kích nổ thủy lôi. Bài toán lớn
với hàng nghìn phép tính ấy không thể có lời giải nhanh chóng và chính xác chỉ
bằng sức người. Do đó, tổ GK1 phải trưng dụng máy tính điện tử Minsk 22 mà Liên
Xô trang bị cho Ủy Ban Khoa học và Công nghệ nhà nước để giúp sức tìm đáp án
mong muốn. Ngày 21 tháng 7 năm 1972, sau gần 7 giờ chạy chương trình trên băng
đục lỗ, máy tính Minsk 22 đã giải bài toán về các chỉ số đảm bảo an toàn khi
kích nổ thủy lôi MK-52 của Mỹ với 1.443 điểm tính[12].
Trên cơ sở đó, tổ GK1 đã tổng hợp, soạn thành một “cẩm nang” cung cấp cho các cơ
quan, đơn vị rà phá thủy lôi, bom từ trường trên chiến trường.
Cùng
với những nghiên cứu từ phía Bộ Quốc phòng, những kết quả “giải mã” cơ chế định
nổ của thủy lôi, bom từ trường phiên bản mới của các nhà khoa học ở Bộ Giao
thông vận tải và Trường Đại học Bách khoa trên đây đã cung cấp những thông tin,
cứ liệu khoa học quý giá, cần thiết để cải tiến các thiết bị rà phá thủy lôi,
bom từ trường cũ, hoàn thiện và phát triển phương tiện rà phá mới. Theo đó, từ
giữa năm 1972, chúng ta có thêm nhiều thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường mới
như: Thiết bị phóng âm từ kết hợp cải tiến PĐ 67-3, khí tài phóng từ ĐB-72.3...;
dựa trên các tàu, xuồng được viện trợ, chúng ta cũng có các tàu đổ bộ lắp các
thiết bị rà thuy lôi, bom từ trường V414, V416, V418, V420 và xuồng phóng từ điều
khiển từ xa T5. Với các công cụ đó, từ mùa thu năm 1972, lực lượng rà phá thủy
lôi, bom từ trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với lực lượng của các nước
bạn Trung Quốc, Liên Xô dần rà phá, khai thông các luồng sông, biển, bến cảng miền
Bắc, nhất là cảng chính Hải Phòng. Ở cảng Hải Phòng, đến cuối tháng 10 năm
1972, kết quả rà phá thủy lôi, bom từ trường đã cho phép tàu tải trọng đến 400
tấn hoạt động và đến tháng 1 năm 1973, tàu tải trọng đến trên 10.000 tấn có thể
được lai dắt qua an toàn. Từ tháng 2 năm 1973, hoạt động rà phá thủy lôi, bom từ
trường ở miền Bắc còn có Đội đặc nhiệm 78 của Mỹ góp mặt theo qui định của Hiệp
định Paris (27/1/1973). Đến giữa năm 1973, các tuyến giao thông sông, biển miền
Bắc mà Mỹ phong tỏa từ tháng 5 năm 1972 đã được rà phá, đảm bảo an toàn cho các
phương tiện hoạt động. Trong hoạt động rà phá đó, các phương tiện phát triển dựa
trên kết quả nghiên cứu của tổ GK1 không những đạt hiệu suất chiến đấu cao mà còn
đảm bảo độ an toàn khi tác chiến. Chúng ta được biết, những ngày tham gia rà
phá thủy lôi, bom từ trường ở miền Bắc Việt Nam, Đội đặc nhiệm 78 của Mỹ bị thiệt
hại 1 tàu quét lôi, 3 máy bay trực thăng và 10 quân nhân[13].
Trong khi đó, với các thiết bị phát triển từ kết quả nghiên cứu của GK1, lực lượng
rà phá thủy lôi của Việt Nam không có ai bị thương vong[14].
Như
vậy, trong cuộc chiến chống Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom
từ trường những năm 1965-1973, nguồn trợ giúp quốc tế được tranh thủ, khai
thác, sử dụng ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Nếu như việc vận động các nước
bạn trực tiếp tham gia chống phong tỏa chỉ giới hạn trong lần chống phong tỏa thứ
hai thì việc tranh thủ, khai thác sự giúp đỡ của các nước bạn về đào tạo nhân lực,
cung cấp thông tin, trang bị lại diễn ra xuyên suốt trong cả hai lần chống địch
phong tỏa sông, biển. Chính việc tranh thủ, phát huy hiệu quả nguồn lực khoa học
kỹ thuật hiện đại mà các nước bạn giúp xây dựng, đào tạo trong hơn mười năm từ
khi miền Bắc được giải phóng (1954) đã góp phần giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “giải
mã” thành công cơ chế hoạt động của những vũ khí dưới nước có yếu tố công nghệ
cao của Mỹ, từ đó tạo ra các công cụ rà phá chúng hiệu quả, giành chiến thắng trong
chiến đấu chống phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường. Qua đây, lịch
sử minh chứng thêm tài trí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong tranh thủ, phát
huy, sử dụng hiệu quả viện trợ, giúp đỡ của quốc tế phục vụ sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
[1] Hồng
Hải, Hồi ức của người lính cảm tử tháo quả
thủy lôi đầu tiên, Báo Tiền phong điện tử, số ra ngày 11/7/2013, https://tienphong.vn/hoi-uc-cua-nguoi-linh-cam-tu-thao-qua-thuy-loi-dau-tien-post636237.tpo;
Thu Lan, Người chiến thắng “tử thần” bằng
dụng cụ sửa xe đạp, Báo VOV điện tử, số ra ngày 25/6/2013, https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-chien-thang-tu-than-bang-dung-cu-sua-xe-dap-267990.vov
[2] Đại
úy Trương Thế Hùng là một trong hai người đầu tiên được đào tạo về thủy lôi ở
Trung Quốc năm 1955.
[3] Ở
Bộ Quốc phòng, nhóm các kỹ sư đào tạo ở nước ngoài đảm trách nghiên cứu thủy
lôi gồm có 32 người. Xem An Dương, Việt
Nam quét sạch thủy lôi Mỹ như thế nào? Báo điện tử Zingnews số ra ngày
12/5/2013,
https://zingnews.vn/viet-nam-quet-sach-thuy-loi-my-nhu-the-nao-post314299.html
[4] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng
kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và
bom từ trường (1965-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 160.
[5] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng
kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và
bom từ trường (1965-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 172.
[6] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng
kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và
bom từ trường (1965-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 473; Nguyễn
Thị Mai Hoa, Các nước xã hội chủ nghĩa ủng
hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội 2013, tr 315.
[7] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch
sử Hậu cần-Kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập
2 (1965-1972), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 423; Nguyễn Thị Mai
Hoa, Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt
Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội 2013, tr 316.
[8] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng
kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và
bom từ trường (1965-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 206-207.
[9]
Nguyễn Thị Mai Hoa, Các nước xã hội chủ
nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội 2013, tr 314; Qiang Zhai, China and the Vietnam wars, 1950-1975, The University of North Carolina
Press, Chapel Hill and London 2000, p 203; Phát huy mọi nguồn lực để chống
phong tỏa sông, biển, Báo Hải quân Việt Nam điện tử, số ra ngày 4/5/2018, https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/phat-huy-moi-nguon-luc-de-chong-phong-toa-song-bien.
[10] Bộ
Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Liên
Xô ủng họ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2018, tr 139; Phát huy mọi nguồn lực để chống phong tỏa
sông, biển, Báo Hải quân Việt Nam điện tử, số ra ngày 4/5/2018, https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/phat-huy-moi-nguon-luc-de-chong-phong-toa-song-bien.
[11]
Tiến sĩ Vũ Đình Cự được đào tạo tại Trường Đại học Quốc gia Matxcơva mang tên
Lômônôxốp (Liên Xô).
[12]
Xem Nguyễn Huy Minh, Chuyện về một nhiệm
vụ khoa học Tuyệt mật và Quyết thắng, Báo Lao động điện tử số ra ngày
19/11/2016, https://laodong.vn/archived/chuyen-ve-mot-nhiem-vu-khoa-hoc-tuyet-mat-va-quyet-thang-712337.ldo
[13] Bộ
Tư lệnh Hải quân, Lịch sử Hải quân nhân
dân Việt Nam (1955-2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2015, tr 184.
[14]
Hà Hồng, Đội đặc nhiệm GK1, Báo Nhân
dân điện tử, số ra ngày 21/4/2005, https://nhandan.vn/doi-dac-nhiem-gk1-post523450.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!