Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

"TẾT MẬU THÂN - 1968" SỰ "VỠ MỘNG" CỦA CHÍNH GIỚI OA-SINH-TƠN



PGS, TS Hồ Khang
Năm 1965, bước qua lời nguyền "không đưa lục quân vào chiến trường trên bộ ở châu Á" của các chiến lược gia Mỹ đưa ra sau khi kết thúc  cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953), Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ". Với một tiềm lực và sức mạnh vượt trội về kinh tế, quân sự, giới lãnh đạo Mỹ bấy giờ vững tin sẽ nhanh chóng buộc đối phương phải bị khuất phục trước cỗ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ. Trải qua hai mùa phản công chiến lược (mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967), những nỗ lực quân sự, chính trị, ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam không mang lại kết quả như mong đợi và lường định ban đầu. Dù vậy, cho đến trước ngày nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (TTC và ND) Xuân Mậu Thân - 1968, giới lãnh đạo nước Mỹ vẫn vững tin vào thắng lợi của Mỹ và hậu thuẫn mạnh mẽ cho nỗ lực quân sự của chính quyền Giôn-xơn tại Việt Nam.
Clác Clípphớt là người có mối quan hệ rộng rãi với giới kinh doanh lớn ở Mỹ, người nhạy bén về chính trị nên được cả Tổng thống J. Ken-nơ-đi và tiếp đó là L. Giôn-xơn đặc biệt tín nhiệm. Trước "Tết", vào cuối tháng 11.1967, Clác Clípphớt mạnh mẽ khẳng định: "Việc ngừng ném bom không điều kiện mà không có cố gắng nào để đòi hỏi một sự đáp ứng tương tự, liệu có làm cho Hà Nội tin rằng chúng ta kiên quyết và không nhân nhượng trong niềm tin buộc họ phải từ bỏ ý đồ xâm lược không? Câu trả lời lớn tiếng và đanh thép sẽ là KHÔNG!" (Dẫn theo H. Y Schandler: Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ: L. B. Johnson và Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 232).
Quan điểm trên đây của C. Clípphớt cũng là quan điểm của nhóm cố vấn cấp cao về chiến tranh Việt Nam - "Những nhà thông thái". Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cuối tháng11 năm 1967, chỉ trừ ông Gioócgiơ Bon, còn tất cả các thành viên của nhóm đã "nói với Tổng thống là ông đang đi đúng hướng... Mỹ đang thắng cuộc và không nên thay đổi... Mỹ nên duy trì áp lực bằng cách tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam và giữ vững cam kết của Mỹ ở miền Nam Việt Nam" (H. Y Schandler: Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ: L. B. Johnson và Việt Nam, Sđd, tr. 233).
Đin Achesơn - nguyên Ngoại trưởng Mỹ thời Truman, người có ảnh hưởng lớn đối với Giôn-xơn và rất được Giôn-xơn tin cậy, đã tuyên bố vào tháng 11 năm 1967, "ủng hộ cam kết của Mỹ ở Việt Nam và quyết tâm đưa mọi tài nguyên quốc gia để thực hiện" bằng được cam kết ấy. (Dẫn theo Đôn Obớcđoiphơ: Tết, Nxb. Tổng hợp An Giang trích dịch, 1988, tr. 162).
Thế nhưng khi "Tết Mậu Thân 1968" nổ ra, chính giới Mỹ phải "bàng hoàng, sửng sốt" như Tài liệu mật Lầu Năm góc ghi nhận: Để trấn an dư luận, tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố: Cuộc tiến công TẾT là "một thất bại hoàn toàn" về mặt quân sự của Việt cộng và Bắc Việt Nam.
Nhưng ngay lập tức, E. Mắccácti đã phản bác: "Nếu như chuyện chiếm một phần sứ quán Mỹ, một phần của Huế, Đà Lạt và những thành phố chủ yếu của Quân đoàn 4 là một thất bại hoàn toàn, thì theo lôgic đó, tôi có thể nói rằng, nếu Việt cộng chiếm cả xứ đó, Chính phủ sẽ rêu rao rằng chúng bị suy sụp hoàn toàn. Cuộc tiến công của Việt cộng vào các thành phố miền Nam Việt Nam chứng tỏ rằng, chúng ta ở trong một tình thế tồi tệ hơn nhiều so với 2 năm trước đây" (Dẫn trong Tết của Đôn Obớcđoiphơ). Còn Thống đốc bang Michigân G. Rônnây, lúc đầu là người ủng hộ chiến tranh nhưng khi Tết nổ ra, đã phát biểu với các Tổng biên tập các nhật báo ở New York, rằng: cuộc tấn công Tết chứng tỏ "nhân dân Việt Nam ủng hộ kẻ thù" của Mỹ (Sách trên, tr. 116). Trong khi đó, Rôbớt Ken-nơ-đi - người từng tuyên bố "chúng ta sẽ thắng ở Việt Nam và chúng ta sẽ ở lại đó cho đến bao giờ làm được điều đó" thì, trong bài diễn văn đọc ngày 8.2.1968 tại Chicagô đã khẳng định "Tết đã đập tan cái mặt nạ của những ảo tưởng chính thức đã che đậy không cho chúng ta thấy được hoàn cảnh thực của chúng ta" ở Việt Nam (...) Nếu chúng ta tiếp tục chiều hướng hiện nay, cuộc xung đột sẽ kéo dài nhiều năm và hàng chục năm nữa trên lục địa châu Á - và cuộc xung đột đó như các nhà chỉ huy quân sự tài ba của chúng ta vẫn luôn cảnh cáo, sẽ chỉ dẫn chúng ta đến một bi kịch dân tộc" (Tết, Sđd, tr. 116, 117).
          Nhằm ứng phó với đòn tiến công Tết Mậu Thân, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và tướng Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) đã yêu cầu được tăng viện thêm 206.756 quân. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải đặt nước Mỹ vào trang thái có chiến tranh và đẩy quy mô chiến tranh ở Việt Nam lên mức mới mà hậu quả về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại sẽ ra sao thì chính quyền Mỹ vẫn chưa lường hết được. Giôn-xơn cử Clác Clipphớt - người vừa thay Mắc Namara làm Bộ trưởng Quốc phòng (1.3.1968) chủ trì một uỷ ban bao gồm những nhà lãnh đạo cao cấp Mỹ để xem xét yêu cầu tăng quân. Thế nhưng, ngay từ phiên họp đầu, thay vì bàn việc tăng quân, giới chức Mỹ quay sang kiểm điểm toàn diện chính sách chiến tranh và chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Sau này, nhớ lại những phiên họp khẩn trương và căng thẳng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1968, C. Clipphớt cho biết: Ông "không thể nhận thấy bao giờ chiến tranh kết thúc; không biết nó kết thúc bằng cách nào; không biết liệu những yêu cầu tăng quân và trang bị như vậy bao lâu nữa; không biết hiện đến bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mỹ". Vì thế, ông tin chắc rằng: đường lối quân sự mà Mỹ đang theo đuổi ở Việt Nam "không chỉ không có tận cùng mà còn vô vọng" (Ký ức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về cuộc họp với giới quân sự cấp cao sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân, Tạp chí Lịch sử quân sự dịch đăng, tháng 1.1993).
          Trước đó, với tựa đề Lôgic của chiến tranh, Ban biên tập của tờ Nhật báo phố Uôn (số ra ngày 23.2.1968) đã khẳng định: "Chúng tôi cho rằng, người Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận - nếu quả đến nay họ chưa sẵn sàng, rằng cố gắng chiến tranh Việt Nam của Mỹ có thể thất bại hoàn toàn. Bắc Việt Nam có thể có đầy đủ nhân lực và trang bị vũ khí do đồng minh của họ cung cấp để tiến hành chiến tranh không ngừng, trong lúc quân chính phủ Sài Gòn tỏ ra bất lực, kể cả ở ngay trong thành phố của họ. Hơn nữa, hình như cố gắng quân sự của Mỹ chỉ tàn phá đất nước này chứ không bảo vệ được nó. Con đường danh dự và khôn ngoan duy nhất là Mỹ phải xuống thang chiến tranh và rút ra khỏi Việt Nam một cách trật tự nhất, ít thương vong nhất. Nếu như Tổng thống Giôn-xơn còn cảm thấy danh dự cá nhân quá cao, cảm thấy sự thất bại còn quá nặng, Quốc hội Mỹ sẽ sử dụng quyền lực của mình để cách chức ông ta khi cần thiết và đưa đất nước về con đường hoà bình".        Sự thay đổi quan điểm về đường lối chiến tranh ở Việt Nam của Quốc hội và nhóm Cố vấn cao cấp về Việt Nam (mà người ta vẫn gọi là "Những nhà thông thái") là đòn cân não buộc chính quyền Giôn-xơn phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Trong hồi ký của mình, Giôn-xơn cho biết, liên tục hai ngày 11 và 12.3.1968, Ngoại trưởng Mỹ Đin Ratxcơ phải liên tục trả lời các câu hỏi "đầy giọng khiêu khích" của các Thượng nghị sĩ suốt 12 giờ đồng hồ. "Đây là một cuộc cật vấn kéo dài nhất đối với một quan chức nội các, lại được truyền hình trực tiếp cho dân chúng biết" (Hồi ký Giôn-xơn, Việt Nam thông tấn xã dịch và phát hành, 1972, tr.333). Ở một đoạn khác, Hồi ký Giôn-xơn ghi nhận: "Chính sách của chúng ta bị chất vấn gay gắt và bị chỉ trích nặng nề ở Quốc hội" (tr.333).
          Nhận sự uỷ quyền của Giôn-xơn, sau hơn nửa tháng tìm hiểu tình hình chiến tranh Việt Nam bằng cách trực tiếp gặp các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ngày 15.3.1968, Đin Acheson nói với Giôn-xơn rằng: "Tổng thống đang bị Hội đồng tham mưu trưởng liên quân lừa dối. Những gì mà Oét-mo-len đang cố gắng làm ở Việt Nam đều không thể thựuc hiện được, nếu không sử dụng vào đó các nguồn kinh tế và quân sự hoàn toàn không hạn chế" (Dẫn trong P. A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzơven đến Ních-xơn, Nxb. Thông tin lí luận, H, 1985, tr .225). Nhưng ác thay, như ông thừa nhận, cho đến lúc này, "không có mối liên quan giữa một bên là mục tiêu quân sự và bên kia là thời gian và tài nguyên mà Mỹ có để thực hiện các mục tiêu đó. Cuộc tiến công Tết cho thấy số 50 vạn quân Mỹ là vô cùng thiếu, không thể nào đánh nổi và khuất phục nổi Việt cộng" (Dẫn theo Tết, Sđd, tr.163) và ông khuyến cáo: "Cần phải đánh giá lại và thay đổi hoạt động của lực lượng mặt đất, cần phải ngừng hay giảm nhiều các cuộc ném bom và chấm dứt chiến tranh sao cho Mỹ ít bị thiệt hại nhất" (Tết, Sđd, tr.163). Cuối cùng, ông cũng vô vọng mà kết luận với Tổng thống rằng: "Đất nước không còn ủng hộ cuộc chiến tranh nữa" (P.A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzơven đến Ních-xơn, Sđd, tr.225). Người ta hiểu, "đất nước" ở đây chẳng qua là những ông trùm tư bản, những "ông bầu" của cuộc chiến tranh này. Còn bình luận của Ban biên tập Toà soạn báo Tuần tin túc Mỹ ngày 11.3.1968 cũng cho rằng: "Mỹ không thể dùng các biện pháp quân sự để thắng cuộc chiến tranh này mà lại không xé tan toàn bộ tổ chức của nước Mỹ và các mối quan hệ quốc tế".
          Liên tiếp trong hai ngày 25 và 26.3.1968, nhóm Cố vấn cấp cao - "Những nhà thông thái" đã họp ở Oa-sinh-tơn để chính thức bày tỏ quan điểm của họ về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam với Tổng thống Giôn-xơn. Tại cuộc họp này, sau khi buồn bã lắng nghe các thành viên trong nhóm phát biểu, Giôn-xơn kết luận rằng: "Trừ các ông Mớcphi, Brétti, Taylo, Phoóctát và tướng Uylơ, còn lại tất cả mọi người đều đề nghị rút ra khỏi cuộc chiến tranh" (Dẫn theo Tết, Sđd, tr.176). Thái độ mà phóng viên S.H. Lori của tờ Lốt Ănggiơlét gọi là "quay ngoắt" của nhóm cố vấn cấp cao đã làm cho Giôn-xơn càng "giao động một cách sâu sắc" (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Thư viện Quân đội dịch, 1980, tập 2, tr.257). Sau này, trong Hồi ký, Giôn-xơn ghi nhận: "Các nhà thông thái đã tỏ ra thông minh và là những người giàu kinh nghiệm. Tôi đã luôn luôn coi đa số các cố vẫn này như những người rất vững vàng và có cân nhắc. Nếu họ đã bị những ảnh hưởng bởi những báo cáo về việc tấn công TẾT sâu sắc đến như thế thì thử hỏi người dân bình thường trên đất nước này phải suy nghĩ đến thế nào" (Hồi ký Giôn-xơn, Sđd, tr.418).
          "Một trong những điều trớ trêu của cuộc chiến tranh này là cái bản án tử hình cho cuộc phiêu lưu mà Đin Acheson đã có nhiều trách nhiệm trong việc khởi sự cũng lại do chính ông đọc" (Nây Sihan, Lời nói dối hào nhoáng, tập 2, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1990, tr.429). Cái "bản án tử hình" cho cuộc "chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở Việt Nam chính là sự tóm lược quan điểm của đa số thành viên trong nhóm cố vấn cấp cao mà họ đã cảm nhận thấy từ hàng tháng nay nhưng phải đến hôm nay, họ mới hội đủ điều kiện chín muồi để chính thức nói với Tổng thống của họ rằng: Mỹ "không còn có thể nào làm được cái công việc mà Mỹ khởi sự 3 năm trước đây", do vậy, "Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui" (Dẫn theo Nây Sihan: Lời nói dối hào nhoáng, Tập 2, Sđd, tr.429).
          Thế cho nên, "tháng 3 năm 1968, việc lựa chọn (của Mỹ) đã trở nên dứt khoát" (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Tập 2, Tlđd, tr.258). Ngày 31.3.1968, trong điện văn gửi Đại sứ Mỹ tại các nước Ôttrâylia, Tân Tây Lan, Thái Lan, Philippin, Lào, Nam Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã "nhấn mạnh chủ yếu đến ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hiệu lực chiến đấu của Chính phủ Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam cộng hoà với trang bị và các thứ chi viện cần thiết khác của Mỹ, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong các hành động của Mỹ" (Dẫn theo P.A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzơven đến Ních-xơn, Sđd, tr.260). Mấy giờ sau khi bức điện văn này được gửi đi, vào đêm 31.1.1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xuất hiện trên vô tuyến truyền hình toàn liên bang đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời làm chính trị của ông ta, "bài diễn văn bi thảm nhất" mà suốt 21 năm dính líu ở Việt Nam, chưa một vị tổng thống Mỹ nào phải đưa ra" (P.A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzơven đến Ních-xơn, Sđd, tr.260). Trong bài diễn văn đó, Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam dân chủ cộng hoà từ vĩ tuyến 20 trở ra; sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà; chấm dứt thời kỳ Mỹ "tăng cường cam kết đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ"; tăng nhanh việc trang bị cho quân đội Nam Việt Nam, tạo cho đội quân này khả năng phòng thủ Nam Việt Nam. Cuối cùng, ông tuyên bố không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo.
          Bài diễn văn lập tức gây nên "tác động mãnh liệt ở Hoa Kỳ và khắp thế giới", bởi những nội dung chứa đựng trong đó đã chứng tỏ một sự thật hiển nhiên rằng: "Hoa Kỳ đã vượt qua mộ bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh cũng như trong chính sách và không có chuyện quay trở lại nữa". Ngày 31.3.1968, do đó, đã mở ra "một chương rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đến hồi kết thúc" đối với Hoa Kỳ. (Những đoạn trích này là bình luận của người viết Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về diễn văn ngày 31.3.1968 của Giôn-xơn).
          Từ đó trở đi, phù hợp với sự thay đổi chiến lược chiến tranh - từ "chiến tranh cục bộ" sang "phi Mỹ hoá" rồi "Việt Nam hoá chiến tranh"; vai trò, nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Việt Nam giảm mạnh. Dù sau đó, Ních-xơn lên làm Tổng thống đã tìm mọi cách cứu vãn thất bại, nhưng vẫn phải rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và quá trình đó là không thể đảo ngược. Hơn nữa, việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một lực lượng vốn đã bại trận, buộc quân Mỹ phải nhảy vào vòng chiến thì, về thực chất, Mỹ đã phải phụ thuộc vào chính kẻ đã và đang ngày càng phụ thuộc vào mình. Đây là đảm bảo chắc chắn cho sự thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam. Trên ý nghĩa đó, "Tết Mậu Thân 1968" trở thành cột mốc đánh dấu bước ngoặt lớn, bước ngoặt quyết định của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam!
 
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!