Viện Lịch sử quân sự
Cho đến những năm đầu thập kỷ 60 của
thế kỷ XX, phía Mỹ đã có cả một quá trình dài can dự vào vấn đề Đông Dương và
Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1954 đến năm 1960, riêng đối với miền Nam Việt Nam,
trung bình mỗi ngày, Mỹ chi vào đây xấp xỉ 1 triệu đô viện trợ cho chính quyền
Ngô Đình Diệm, do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng, nhằm áp đặt ách thống trị thực dân
kiểu mới của Mỹ tại đất này. Đô-la, vũ khí và hệ thống cố vấn Mỹ là chỗ dựa cho
chế độ Diệm, là nguồn gốc của biết bao tội ác đẫm máu mà chính quyền và quân
đội Diệm gây ra cho những người dân yêu nước miền Nam thời kỳ 1954 - 1959.
Từ
trong máu lửa, dưới ánh sáng của Nghị
quyết 15, nhân dân miền Nam vùng lên Đồng khởi, đánh sập bộ máy cai trị của
Mỹ, Diệm tại nhiều vùng nông thôn, làm thất bại một hình thức thống trị điển
hình thực dân kiểu mới của Mỹ, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến
công. Trước tình hình đó, giới lãnh đạo cao cấp Mỹ quyết định dùng Chiến tranh đặc biệt, một trong ba loại
hình của chiến lược quân sự toàn cầu phản
ứng linh hoạt, hòng nhanh chóng đè bẹp cách mạng miền Nam. Đặc trưng cơ bản
của loại chiến tranh này là sử dụng quân đội bản xứ với đô-la, vũ khí và hệ
thống cố vấn Mỹ để tiến hành và giành phần thắng. Kế hoạch Xta-lây-Tay-lo được
đề ra và được Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ chính thức thông qua trong bị vong lục số 111( tháng 11-1961) là sự
cụ thể hoá việc ứng dụng lần đầu tiên chiến lược Chiến tranh đặc biệt vào miền Nam. Đó là một kế hoạch hành động
tương đối hoàn chỉnh của Mỹ, bao gồm các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế,
xã hội nhằm hoàn tất “bình định” miền Nam trong khoảng thời gian mà Mỹ dự kiến
18 tháng. Bắt đầu từ đó, một số lượng lớn cố vấn, nhiều đơn vị “yểm trợ chiến
đấu” và các đơn vị biệt kích Mỹ cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện
đại được đưa nhanh vào miền Nam. Được Mỹ tăng cường chi viện và dưới sự điều
hành của hệ thống cố vấn Mỹ, quân đội Sài Gòn từ giữa năm 1961 và suốt năm
1962, ráo riết và liên tục mở hàng ngàn cuộc hành quân càn quét, hành quân “
bình định” với qui mô lớn, nhỏ và thời gian dài, ngắn khác nhau, uy hiếp dữ dội
toàn bộ hệ thống vùng căn cứ, vùng giải phóng và lực lượng vũ trang cách mạng
miền Nam, hỗ trợ cho toan tính dồn, gom 10 triệu nông dân miền Nam vào 16.000
“ấp chiến lược” mà thực chất là các trại tập trung hòng tách “Việt Cộng” ra
khỏi dân chúng để dễ bề tiêu diệt…Trong các cuộc hành quân đó, quân Mỹ, quân
Sài Gòn hầu như chiếm ưu thế hoàn toàn về vũ khí, phương tiện chiến tranh, quân
số, hoả lực và quyền chủ động trên chiến trường. Với trực thăng chở quân và xe
thiết giáp lội nước M.113 đóng căn cứ ở khắp mọi nơi, chúng có thể nhanh chóng,
bất ngờ mở các cuộc tiến công vào bất cứ khu vực nào dù đó là vùng rừng núi
hiểm trở hay vùng kênh rạch, sình lầy. Với trực thăng vũ trang và các loại pháo
lớn, nhỏ, quân Mỹ có thể bắn phá hoặc chi viện hoả lực cho quân nguỵ một cách
kịp thời, mạnh mẽ, trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình. Dựa vào ưu thế áp
đảo trên bộ, trên không, trên sông nước, trong một thời gian dài từ giữa năm
1961 kéo sang năm 1962, Mỹ - nguỵ đã triển khai những chiến thuật tác chiến
“tân kỳ” như “ trực thăng vận”, “chiến xa vận”; thực hiện thành công các thủ
đoạn tác chiến được mệnh danh là “bủa lưới phóng lao”, “phượng hoàng vồ mồi”,
“trên đe dưới búa”…gây tổn thất nặng nề cho lực lượng cách mạng miền Nam, gây
hoang mang trong nhân dân và một bộ phận các đơn vị vũ trang Quân giải phóng
non trẻ. Trong nhiều trường hợp, bộ đội, du kích miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị
bất ngờ, không cách nào chống đỡ, buộc phải phân tán nhỏ lẻ, rút lui dưới sự
quần đảo, truy đuổi gắt gao của máy bay trực thăng vũ trang Mỹ trên bầu trời
hay bị sự truy kích của xe thiết giáp M.113 trên mặt đất. Đã có không ít đơn vị
vũ trang cấp đại đội, trung đội Quân giải phóng bị loại khỏi vòng chiến đấu;
nhiều cán bộ, chiến sĩ bị bắt; nhiều làng mạc, thôn ấp, vùng giáp ranh, vùng
giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến bị bom đạn và chất độc hoá học tàn phá nặng
nề; nhiều khu vực hậu cứ nằm sâu giữa bưng biền hay miền rừng núi…bị uy hiếp dữ
dội và liên tục. Thiếu sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, phong trào chống
phá ấp chiến lược ở nhiều địa phương miền Nam bị chững lại, bị chùng xuống. Các
cấp lãnh đạo, chỉ huy, ở chừng mực nào đó, tỏ ra lo lắng và lúng túng trong
việc đề ra phương hướng, biện pháp chỉ đạo quân nhân dân Việt Nam đối phó với
thủ đoạn tác chiến mới của đối phương. Vấn đề thiết yếu và cấp bách đặt ra cho
quân và dân ở miền Nam lúc bấy giờ là: để đánh bại các biện pháp chiến lược của
địch trong cuộc Chiến tranh đặc biệt
là càn quét, gom dân lập ấp chiến lược, cần phải tìm cách đánh quỵ lực lượng cơ
động nguỵ khi chúng hành quân càn quét, đánh thắng các chiến thuật mới của đội
quân này.
Trong bối cảnh ấy, trận Ấp Bắc nổ ra.
Đây là cuộc đụng đầu về quân sự ở qui mô tương đối lớn nếu so với trước đó,
diễn ra giữa lúc Mỹ, quân đội Sài Gòn đang dồn sức mong hoàn tất kế hoạch bình định miền
Nam trong 18 tháng, dự tính kết thúc vào giữa năm 1963 và trong khi quân dân
miền Nam Việt Nam đang gấp rút tìm cách đương đầu và đánh bại lực lượng quân sự
địch, trước hết là các thủ đoạn chiến thuật.
Trận Ấp Bắc là cuộc giao tranh diễn ra
trên một địa bàn không rộng. Nhìn trên bản đồ, đó là một rẻo mờ xanh ba bề bị
vây bọc bởi đồng lúa, sình lầy, hệ thống rạch, kênh; xa về phía Nam chừng 3-4
km là Lộ 4 ( nay là Quốc lộ 1) và xa hơn về phía tây chừng 6 km là con Lộ 12.
Còn phía Bắc và phía Đông, dẻo đất này cách các con kênh Nguyễn Văn Tiếp,
Nguyễn Tấn Thành chừng 2-3 km. Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới
thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho xưa và tỉnh Tiền Giang nay.
Địa hình nơi đây khá phức tạp: đât thấp, vườn cây trái xen kẽ với ruộng lúa,
sình lầy và bị chia cắt bởi các dòng kênh rạch lớn bé, ven bờ trùm phủ những
rặng trâm bầu kéo dài và xanh tốt quanh năm…Trên địa bàn có chiều dài khoảng 4
km, chiều rộng chừng 400m ấy, ngày 2-1-1963, đã diễn ra cuộc đọ súng ngỡ chừng
rất không cân sức nếu xét về quân số, vũ khí, hoả lực, thiết bị chiến trường,
sức cơ động và khả năng đảm bảo chi viện, hậu cần…Một cách tổng quát, có thể
thấy rằng, lực lượng so sánh trong trận đánh này có sự chênh lệch rất lớn; địch
áp đảo hầu như trên mọi phương diện. Về mặt quân số, lực lượng ở đây chỉ có một
đại đội tăng cường thuộc Tiểu đoàn 261 chủ lực Khu 8, một đại đội địa phương
tỉnh Mỹ Tho, một trung đội trợ chiến, một trung đội địa phương huyện Châu
Thành, cùng các lực lượng dân quân du kích tại chỗ, do Tiểu đoàn trưởng Hai
Hoàng ( tức Nguyễn Văn Điểu) chỉ huy. Về phía địch, chúng sử dụng vào đây 3
tiểu đoàn của Sư đoàn 7 thuộc Vùng 4 chiến thuật, một chiến đoàn bảo an tỉnh
Định Tường, một tiểu đoàn dù thuộc lực lượng dự bị Bộ Tổng tham mưu quân đội
Sài Gòn, một số đại đội biệt kích và dân vệ. Hỗ trợ cho lực lượng này tiến công
là 3 tàu chiến bao vây trên hướng Đông Bắc, một chi đoàn thiết giáp lội nước
M.113 chở quân đột phá, 15 trực thăng và 7 máy bay vận tải C.123 chở quân đổ bộ
và quân dù, 5 trực thăng vũ trang có gắn súng liên thanh và các dàn hoả tiễn
chi viện hoả lực, 8 máy bay ném bom, 4 chiếc L.19 làm nhiệm vụ trinh sát và chỉ
huy, hàng chục khẩu pháo, cối yểm trợ hành quân và bắn phá mục tiêuThoạt đầu,
chỉ huy cuộc tiến công là viên đại tá Tư lệnh Sư đoàn 7 Bùi Đình Đạm và viên cố
vấn cao cấp Sư đoàn Giôn Pôn Van (John Paul Vann); tiếp đó, có thêm viên Thiếu
tướng Huỳnh Văn Cao Tư lệnh Quân đoàn 4, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm Tham mưu
trưởng liên quân tham gia. Chỉ riêng qui mô sử dụng lực lượng và thành phần chỉ
huy thôi, cũng đã có thể hình dung được phần nào tầm quan trọng mà phía Mỹ,
nguỵ gửi gắm và chắc tin vào thắng lợi của trận đánh này lớn đến thế nào. Trước
khi diễn ra trận Ấp Bắc, Mỹ-Diệm đang phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải
liên quan trực tiếp tới cuộc chiến Việt Nam. Phong trào Đồng Khởi mùa Xuân 1960
đã cho thấy sự yếu kém nghiêm trọng của Mỹ-Diệm về mặt chính trị và để bù vào
chỗ yếu kém ấy, chúng buộc phải ngày càng dựa vào các biện pháp quân sự hòng
giành phần thắng trong cuộc chiến tranh này- một cuộc chiến tranh được giới
lãnh đạo cao cấp Mỹ luôn xem là sự thử thách ý chí, sức mạnh và uy tín của nước
Mỹ trong “sứ mệnh” giúp đỡ đồng minh đứng vững và chặn đứng ảnh hưởng “Cộng
sản” lan xuống khu vực Đông Nam Á. Đây là một cuộc chiến tranh Mỹ đem ra thử
nghiệm hiệu lực của những học thuyết, chiến lược, chiến thuật cũng như uy lực
của các hệ vũ khí, thiết bị chiến tranh tân tiến trước khi chúng được áp dụng
rộng rãi vào cuộc chiến chống nổi dậy ở những nơi khác trên thế giới. Vào giữa
năm 1962, tình hình Lào trở nên rất bất lợi cho Mỹ, buộc Mỹ dù không muốn nhưng
vẫn phải chấp nhận một bước lùi tại đất nước này. Và để bù lại, Mỹ càng kiên
quyết hơn trong việc đẩy mạnh Chiến tranh
đặc biệt ở Việt Nam. Đến cuối năm đó, cho dù đã giành được một số kết quả
cả về quân sự và bình định, song nhìn chung, quân đội Sài Gòn chưa chứng tỏ
được một cách thuyết phục khả năng đương đầu và đánh bại các đơn vị chủ lực
Quân giải phóng. Ngay như giới tướng lĩnh Mỹ và các cố vấn quân sự cấp cao ở
miền Nam lúc bấy giờ cũng “hy vọng vào một ngày nào đó, Việt cộng sẽ đủ “ngu”
để từ bỏ phương pháp du kích, đứng dậy đương đầu với họ - tức quân Sài Gòn,
trong một trận chiến chính quy. Họ mong muốn như vậy nhưng không một sĩ quan Mỹ
nào chờ đợi điều đó xẩy ra”[1].
Chính vì thế, khi phát hiện thấy một đơn vị chủ lực Quân giải phóng đang đứng
chân ở Ấp Bắc, phía Mỹ cho đây là một cơ hội để chứng tỏ sức mạnh của quân đội
Sài Gòn với trang bị, vũ khí, hoả lực yểm trợ của Mỹ. Bộ tư lệnh viện trợ quân
sự của Mỹ (MACV) cùng Bộ tư lệnh hành quân quân đội Sài Gòn lập tức quyết định
mở cuộc tấn công qui mô lớn mang mật danh "Đức
Thắng 1/13” nhằm tiêu diệt và bắt gọn toàn bộ lực lượng đối phương. Không
nao núng quyết tâm, lực lượng vũ trang tại Ấp Bắc kiên quyết trụ bám đánh địch,
chống càn. Dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào; bố trí đội hình phòng
ngự vòng tròn để vừa có thể độc lập tác chiến vừa nhanh chóng chi viện cho nhau
giữa các bộ phận lực lượng, phát huy cao độ trí thông minh và lòng dũng cảm, sử
dụng hiệu quả mọi thứ vũ khí có trong tay, chuyển hoá linh hoạt thế trận, phối
hợp chiến đấu nhịp nhàng, xử lý kịp thời và thông minh các tình huống mới diễn
ra, quân dân miền Nam đã chiến đấu ròng rã suốt một ngày, đánh bại tất cả các
đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên (trong đó có cố vấn và
nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 trực thăng, bắn bị thương nhiều chiếc khác,
phá huỷ 3 xe bọc thép, đánh chìm một tàu chiến trên sông, làm thất bại hoàn
toàn cuộc hành quân đầy tham vọng của địch. Và khi màn đêm buông xuống, các đơn
vị bộ đội bí mật lần lượt vượt qua vòng vây địch, rút lui an toàn về căn cứ
Đồng Tháp Mười.
Sau trận chiến đấu chớp nhoáng này,
báo chí Mỹ, các hãng thông tấn phương
Tây liên tiếp đưa tin và bình luận về khả năng tác chiến của quân đội Sài Gòn,
về hiệu lực của các loại vũ khí, thiết bị chiến tranh tối tân cùng những chiến
thuật mà Mỹ đưa ra sử dụng tại chiến trường Việt Nam. Thất bại ở Ấp Bắc và việc
mất nhiều máy bay lên thẳng, đối với Mỹ, theo tờ Thời báo Niu-oóc số ra
ngày 5-1-1963: “ Là một điều đau đớn nhưng cần thiết để giảm bớt tư tưởng lạc
quan do những lời tuyên bố chính thức quá lạc quan của Oa-sinh-tơn gây ra.
Trước đây, người ta đã đánh giá quá cao máy bay lên thẳng, đánh giá quá thấp
những nhược điểm của nó và có xu hướng quên rằng con người chứ không phải máy móc là yếu tố mang lại chiến thắng”.
Cũng tờ báo này, trong số ra ngày
8-1-1963, sau khi nhắc lại tuyên bố của Ken-nơ-đi (Kennedy) vào tháng 4-1954,
khi Ken-nơ-đi vẫn còn là một vị thượng nghị sĩ, rằng ông “thành thật tin không
có sự giúp đỡ nào của Mỹ ở Đông Dương có thể chiến thắng được một kẻ địch có ở
khắp mọi nơi đồng thời không có chỗ nào cả; một kẻ thù được cảm tình và sự ủng
hộ bí mật của nhân dân”, đã “đay” lại: “ Trận Ấp Bắc đặt ông Ken-nơ -đi -Tổng thống đứng trước luận điểm hồi năm
1954 của ông Ken-nơ-đi - Thượng nghị sĩ”.
Sau này, một số tác giả Mỹ như Neil Sheel han trong cuốn sách “Sự lừa dối hào
nhoáng”, trên cơ sở tính đếm tương quan lực lượng và phương tiện chiến tranh mà
hai bên tung vào cũng như kết quả trận Ấp Bắc, đã cho đây là “một chiến thắng
kỳ lạ”[2](2)
của Quân giải phóng miền Nam… Lê Duẩn, ngay từ ngày ấy, đã nhận định rằng: “ Kể
từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được ta”[3].
Với chiến thắng Ấp Bắc, quân và dân miền Nam đã chứng tỏ trên thực tế khả năng
có thể đương đầu và đánh bại các hình thức chiến thuật mới của Mỹ và quân đôị
Sài Gòn; chiến thắng đó có sức cỗ vũ lớn lao toàn quân và toàn dân trên khắp
chiến trường miền Nam trong phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Sau
Ấp Bắc và bắt đầu từ đó, lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam chẳng những kiên
quyết trụ lại đánh địch, chống càn, mà hơn thế, còn chủ động mở nhiều trận đánh
tiêu diệt đại đội, tiểu đoàn, trong đó có một số tiểu đoàn biệt kích khét tiếng
của quân đội Sài Gòn, báo hiệu sự tiến triển trong tác chiến tập trung qui mô
ngày càng lớn của chủ lực trên chiến trường. Được sự hỗ trợ của đòn tiến công
quân sự, phong trào phá ấp chiến lược phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Tình hình
đó khiến cho sự bất đồng trong nội bộ Mỹ, nguỵ vốn đã gay gắt càng gay gắt
thêm. Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng” bằng cách bật đèn xanh cho tướng lĩnh
Sài Gòn làm đảo chính lật đổ anh em Diệm
- Nhu mong tạo thế ổn định về chính trị để Mỹ đẩy mạnh nỗ lực chiến tranh,
nhưng thực tế cho thấy đó lại là một sai lầm lớn nữa của Mỹ trong toàn bộ lịch
sử can thiệp của họ ở Việt Nam. Như vậy, xét trên nhiều chiều cạnh, Ấp Bắc thực
sự là trận đánh báo hiệu sự thất bại
khó tránh khỏi của chiến lược chiến tranh
đặc biệt mà Mỹ triển khai trong những năm 1961-1965.
Download toàn văn bài viết tại:Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[1] Nel
Sheehan: Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb
Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tập 1, tr.267, 329.
[2] Nel Sheehan: Sự
lừa dối hào nhoáng, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tập 1, tr.267, 329.
[3] Lê Duẩn- Thư
vào Nam, Nxb Sự Thật, HN, 1985, tr.69.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!