Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG KHÔNG QUÂN MỸ TRONG TRẬN CHIẾN KHE SANH 1968


PGS.TS. Hồ Khang
Trong chiến tranh Việt Nam, Khe Sanh có tầm quan trọng chiến lược hết sức quan trọng đối với cả hai bên tham chiến, nhất là đối với phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Khe Sanh được Mỹ coi “là cái mỏ neo ở phía tây cho toàn bộ hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự và là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh"[1]. Để giữ vững Khe Sanh, Mỹ đã đổ vào đây rất nhiều công sức, tiền của vật chất cũng như sức mạnh quân sự; trong đó, đặc biệt phải kể đến các hoạt động của lực lượng không quân.

1- Từ năm 1962, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã biến Khe Sanh thành một căn cứ không quân - lục quân hùng mạnh, kiên cố như một vành đai sắt án ngữ tại khu vực giáp giới với miền Bắc và Lào. Tháng 9-1962, quân đội Việt Nam Cộng hòa dùng trực thăng US và O-1B chở vật liệu để xây dựng tại đây một sân bay quân sự nhỏ. Rút kinh nghiệm từ thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, nhằm mục tiêu không để Quân giải phóng nắm giữ quyền chủ động, cuối năm 1967, Mỹ tung vào đây số lượng quân đồn trú khá lớn: 6.000 binh lính; đồng thời, huy động binh lực, hỏa lực ở mức cao nhất. Để áp đảo Quân giải phóng, Mỹ quyết định sử dụng các loại máy bay tối tân, hiện đại với số lượng vũ khí, khí tài hết sức dồi dào, vượt trội gấp nhiều lần so với đối phương.
Nhận định rằng để bảo vệ Khe Sanh, “sức mạnh không quân là yếu tố quyết định”[2], nên từ tháng 10-1966, các toán kỹ sư thuộc Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và Tiểu đoàn 10 Công binh hải quân Hoa Kỳ (SEABEES) được gửi tới cứ điểm để mở rộng hệ thống căn cứ phòng thủ, sân bay, xây dựng đường băng – một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức bởi đất ở đó có độ sụt lún khá cao. Sau rất nhiều nỗ lực, đường băng ban đầu nằm theo hướng Đông-Tây, dài 1.500 feet[3], (4.572.000 m) phù hợp với máy bay hạng nhẹ, máy bay nhỏ và trực thăng, đã được mở thêm đến 3.900 feet (1.188.720 m), bề mặt được gia cố bằng các tấm nhôm cứng[4]. Do đường băng nằm ở độ cao 800 feet (243.8400 m), nên tiếp cận từ hướng Đông trở nên hết sức khó khăn, nhất là vào mùa Đông và mùa Xuân tầm nhìn khá hạn chế, thường chỉ có thể bao quát được dưới ba dặm (miles)[5]. Vào mùa Mưa, nhiều khi nước và bùn tràn ngập đường băng khiến cho máy bay C-130 không thể hạ cánh; do đó, tháng 8 -1967, SEABEES một lần nữa được gửi đến Khe Sanh để tu chỉnh sân bay. Họ tháo các tấm lát kim loại trên đường băng, thay vào đó một lớp đá nghiền dầy 6 inch rồi phủ nhựa đường lên bề mặt. Hệ thống radar, đèn báo đã được lắp đặt ở cả Khe Sanh và Cồn Thiên dẫn đường cho máy bay bay vào khu vực cứ điểm cũng như thả dù gần hơn đến các đơn vị đồn trú ở nhiều địa điểm khác nhau xung quanh Khe Sanh trong mọi thời tiết, nhất là khi tầm nhìn bị hạn chế. Sau khi đường băng được nâng cấp, máy bay C-130 và C-123 đã có thể hoạt động và đến tháng 1 năm 1968, “căn cứ Khe Sanh được tổ chức rất tốt với tư cách là một vị trí phòng thủ, có đường băng hiện đại có thể đảm bảo cho hoạt động vận chuyển chiến thuật của quân đội Mỹ”[6].
Những tuần sau Tết dương lịch năm 1968, không ảnh vệ tinh của Mỹ phát hiện Quân giải phóng đã đặt pháo 37 ly ở thung lũng A Sầu và chuyển quân về phía Khe Sanh; do đó, ngày 19-1-1968, Westmoreland đã điều các “pháo đài bay” B.52 về vùng trọng điểm này. Từ ngày 19 đến 25-1-1968, một hệ thống cảm biến điện tử hiện đại mang bí hiệu Muscle Shoals cũng được triển khai quanh Khe Sanh để hỗ trợ cho các hoạt động trinh sát trên không và trên bộ.
Đêm ngày 20 rạng sáng ngày  21-1-1968, pháo binh của Sư đoàn 304 Quân giải phóng khai hỏa, pháo kích dữ dội vào căn cứ Khe Sanh, khiến kho đạn 1.500 tấn và kho nhiên liệu dành cho máy bay nổ tung, bốc cháy dữ dội, đường băng bị cày nát, bị hư hại nghiêm trọng, các chuyến bay phải tạm dừng, binh lính Mỹ ở Khe Sanh rơi vào tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng.
Trong điều kiện bị vây hãm, yêu cầu tiếp vận cho lực lượng quân đội Mỹ ở Khe Sanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và bài toán đặt ra cho tướng Westmoreland, MACV là đảm bảo công tác tiếp vận cho cứ điểm hoàn toàn bằng đường không - một nhiệm vụ trước đó được thực hiện chủ yếu bằng đường bộ. Riêng về nhu cầu vật tư, hậu cần, theo tính toán của Đại tá Lownds (Chỉ huy căn cứ), “để có thể trụ tại Khe Sanh, cần khoảng 160 tấn vật tư mỗi ngày”[7]; tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với công tác tiếp vận không phải là về khả năng đáp ứng vật chất (quân đội Mỹ có thể đáp ứng được 600 tấn/ngày), mà là về vấn đề thời tiết và hỏa lực của Quân giải phóng. Gió mùa mùa Mưa với các đám mây bay thấp cộng với  sương mù dày đặc bao quanh khu vực cứ điểm từ sáng sớm cho đến khoảng giữa trưa khiến tầm nhìn bị cản trở một cách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những khẩu pháo của Quân giải phóng ở một cự ly tương đối gần, hàng ngày, hàng giờ nã thẳng vào căn cứ như vãi đạn và những chiếc máy bay vận tải trong quá trình tiếp đất hay cất cánh ngay lập tức trở thành những miếng mồi ngon, những thỏi nam châm hút đạn.
Trước yêu cầu về đạn dược, nhiên liệu, lương thực thực phẩm và vận chuyển quân tiếp viện, thương bệnh binh của cứ điểm Khe Sanh cũng như những thách thức, khó khăn to lớn trong tiếp vận, từ tháng 2 năm 1968, khoảng 77% các phi vụ vận chuyển của Hải quân trong kế hoạch chống lại miền Bắc Việt Nam trước đó đã được chuyển hướng phục vụ Khe Sanh. tướng Westmoreland, MACV quyết định lựa chọn Đà Nẵng (cách Khe Sanh 30 phút bay) làm cơ sở cung cấp chính. Những chiếc Lockheed C-130 (có thể chở 20 tấn hàng hóa) và Fairchild C-123 (có thể chở 8 tấn),  trực thăng vận tải hạng nặng đa năng CH-47 Chinook (có thể chở 3 tấn) đã đảm trách phần lớn các nhiệm vụ tiếp tế và đến ngày 5-2-1968, các máy bay C-123 được chuyển hết sang làm nhiệm vụ vận tải[8]. Để hỗ trợ cho các máy bay tiếp vận là các hệ thống radar kiểm soát mặt đất (GCA), radar dẫn đường trên không (ARA), hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AWADS), hệ thống hỗ trợ thả dù ở độ cao tầm thấp (LAPES), hệ thống hỗ trợ thả hàng sát mặt đất (GPES)...được thiết lập và hoạt động với tần suất cao nhất. Nhằm tránh đạn pháo của Quân giải phóng, các đơn vị làm nhiệm vụ vận tải của quân đội Mỹ đã sử dụng các kỹ thuật về tốc độ để giảm thiểu tối đa thời gian tiếp đất. Khi thời tiết xấu hoặc khi vấp phải hỏa lực dày đặc của Quân giải phóng, các máy bay tiếp vận không thể hạ cánh, phi công Mỹ sẽ thả dù hoặc các đơn vị mặt đất sẽ sử dụng hệ thống tiếp nhận hàng hóa hiện đại phục vụ việc bốc dỡ mà máy bay không cần phải tiếp đất. Thông thường, trong thời điểm giao hàng và rời khỏi không phận Khe Sanh, mỗi máy bay sẽ được hàng chục chiếc máy bay khác yểm trợ, nhào lộn, che chắn  mỗi khi lên xuống và với tần suất tiếp viện dày đặc, nó khiến cho “bầu trời Khe Sanh giống như một tổ ong khổng lồ”[9].
Đến ngày 15-3-1968, số hàng tiếp tế cho Khe Sanh đã vượt quá tổng số hàng hóa tiếp vận chung cho lực lượng quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam đến cùng thời điểm. Trong 77 ngày Quân giải phóng bao vây Khe Sanh, Không lực Hoa kỳ đã thực hiện 601 phi vụ riêng biệt; qua đó, tiếp tế cho cứ điểm này 8.120 tấn hàng; ngoài ra, còn có 460 phi vụ được các máy bay cánh cố định thực hiện và các phi vụ này đã vận chuyển 4.310 tấn hàng, 2.676 người tới Khe Sanh, di tản khỏi đó 1.574 người; trong đó có 306 người bị thương[10]. Bên cạnh đó, máy bay của Thủy quân lục chiến đã vận chuyển thêm 4.661 tấn hàng và 14.562 người, còn máy bay của lực lượng Không quân, hải quân Mỹ vận chuyển tổng cộng 17.000 tấn hàng (trung bình 244 tấn/ngày)[11]. Như vậy, tổng cộng là đã có 34.091 tấn hàng đã được vận chuyển tới Khe Sanh trong vòng 77 ngày căn cứ này bị vây hãm, 18.812 người được vận chuyển theo cả hai chiều đến và đi khỏi Khe Sanh.
2- Ngoài trọng trách tiếp vận, lực lượng không quân Hoa Kỳ còn đảm đương một nhiệm vụ khác quan trọng hơn là tiến hành ném bom hủy diệt đối phương, phối hợp với lực lượng mặt đất trong các cuộc giao chiến và Khe Sanh trở thành ưu tiên hàng đầu về hỗ trợ không quân của quân đội Hoa Kỳ. Để phòng thủ Khe Sanh, “người Mỹ có thể huy động lực lượng không quân của mình ở Đông Nam Á với khoảng  2.000 máy bay chiến đấu và 3.300 máy bay trực thăng”[12] và sức mạnh không quân “chiếm tới hơn 96% lực lượng vật chất được sử dụng tại Khe Sanh để chống lại Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”[13].
Ban đầu, ba loại máy bay tấn công được người Mỹ sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự Khe Sanh – đó là Thần sấm F-105, máy bay tiêm kích F-4 Phantom và máy bay cường kích A-4 Skyhawk[14]; tuy nhiên, trong số này, không có loại máy bay nào phù hợp với việc tác chiến ở điều kiện miền núi có rừng bao phủ rậm rạp như ở Khe Sanh, nhất là khi thời tiết xấu. Vì thế, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã yêu cầu cung cấp cho Khe Sanh máy bay cường kích A-6 Intruder – loại máy bay có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, song cho đến khi trận chiến Khe Sanh bắt đầu, Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chỉ có thể gửi tới 54 chiếc[15]. Bù đắp thiếu hụt này, bom chùm sát thương (Cluster Bomb Unit or CBU) và bom Napalm được Không quân Hoa Kỳ sử dụng một cách rộng rãi –đây là hai loại bom có thể phát huy hết tính năng khi được thả vào rừng núi phân tán, bởi “chúng không đơn giản chỉ là vũ khí, mà là thứ vũ khí giết người vượt trội”[16]. Đặc biệt, bom Napalm được Mỹ triển khai nhằm triệt hạ những ngọn đồi cỏ tranh trong đó có lực lượng bắn tỉa thiện nghệ của Quân giải phóng. Ngoài ra, một trong những “át chủ bài” trong chiến dịch hỗ trợ không quân cho Khe Sanh là “con quái vật” trên không – pháo đài bay B-52[17], niềm tự hào của Không quân Hoa Kỳ. Nói về khả năng to lớn của loại máy bay này, Đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam Maxwell D. Taylor đã phải thốt lên rằng: Đó quả thực là một điều tuyệt vời![18].
Trước vị trí quan trọng của cứ điểm Khe Sanh cũng như tầm quan trọng của những cuộc không kích tại khu vực Khe Sanh, tướng Westmoreland đã trực tiếp chỉ đạo điều phối các máy bay ném bom, phi cơ chiến đấu, máy bay tiêm kích từ các căn cứ Guam, Thái Lan và Okinawa và Hạm đội 7 hỗ trợ khu vực này. Thậm chí, Westmoreland còn ngồi ở Sở chỉ huy trực tiếp nhận báo cáo về các chuyến oanh tạc của B-52, duyệt các phi vụ cho ngày hôm sau mà những mục tiêu ưu tiên và khu vực ưu tiên hàng đầu không phải cái gì khác và nơi nào khác ngoài Khe Sanh[19].
Sử dụng chiến thuật lấy không quân làm sức mạnh áp đảo đối phương, tướng Westmoreland hy vọng nếu không tiêu diệt phần lớn sinh lực Quân giải phóng thì cũng làm nhụt ý chí và tan rã tinh thần chiến đấu của họ, song cuộc chiến đã không diễn ra theo ý chí chủ quan của bất cứ ai và không hề đơn giản như thế. Không quân Mỹ đã vấp phải những thất bại đắng cay: Ngay trong ngày tấn công đầu tiên của Quân giải phóng (ngày 21-1-1966), 1 trực thăng của Mỹ đã bị bắn rơi và 2 chiếc khác bị hư hại nặng[20]. Trong hai ngày mùng 10 và 11-2 -1968, 1 máy bay thủy quân KC-130F, chở nhiên liệu cho máy bay trực thăng bị trúng đạn khi đang hạ cánh, toàn bộ 6 phi công thiệt mạng, một chiếc vận tải cơ C-130 bị bị trúng đạn, buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Khe Sanh còn một chiếc C-130 khác cũng bị trúng đạn và bị hư hỏng nặng[21]. Sau sự kiện này, vào ngày 12-2-1968, các chuyến tiếp viện của máy bay C-130 bị đình chỉ và được thay thế bằng máy bay nhỏ hơn (C-123, C-7A); tuy nhiên, 3 chiếc C-123 tiếp tục hóa thành tro sau khi trúng pháo của Quân giải phóng (một trong ba chiếc đó chở 49 binh lính Mỹ”[22]. Sau những thiệt hại đó, thay vì đáp xuống đường băng, các máy bay vận tải của Mỹ buộc phải dùng cách bay sát đường băng rồi đẩy hàng có buộc dù qua cửa sau bụng phi cơ. Tuy nhiên, thả hàng theo kiểu này không chỉ không hiệu quả mà còn lãng phí vì một lượng lớn hàng hóa bị hư hỏng khi tiếp đất.
Để do thám và xác định lực lượng Quân giải phóng tại khu vực Khe Sanh; đồng thời, phát hiện các mục tiêu cho máy bay ném bom B-52, vào giữa tháng 1-1968 tướng Westmoreland đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm diện rộng trên bộ và trên không – chiến dịch Niagara, một trong những chiến dịch ném bom khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh:  Trung bình  cứ 90 phút có 1 đợt 3 chiếc máy bay B-52 đến thả bom xung quanh căn cứ Khe Sanh. Từ ngày 11-2-1968, Bộ Tham mưu liên quân cho phép dùng các máy bay B-52 ở Guam, Okinawa để oanh tạc mục tiêu, cho phép tăng số phi vụ B-52 từ 1200/tháng (thay đổi kế hoạch đã phê duyệt vào ngày 1 tháng 2) lên 1800 phi vụ/tháng[23].
Vào cuối tháng 1-đầu tháng 2 - 1968, khi cuộc Tổng tấn công Tết tiếp tục diễn ra khắp miền Nam Việt Nam, cuộc chiến đấu xung quanh căn cứ Khe Sanh được cả hai bên tham chiến đẩy lên một mức mới. Tính từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 3 tháng 3 năm 1968, Không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc (tính cả máy bay chiến lược B-52), trút xuống Khe Sanh và khu vực liền kề 114.810 tấn bom các loại, bằng toàn bộ lượng bom Mỹ đã ném xuống Nhật Bản trong cả năm 1945[24]. Tính trung bình, mỗi ngày Mỹ huy động 32 phi vụ B-52 và 200 phi vụ cường kích, rải xuống 1.800 tấn bom, tạo nên những trận bão lửa dữ dội[25] (Mỹ ném hơn 100.000 tấn bom yểm trợ Khe Sanh trong khi Pháp chỉ ném xuống Điện Biên Phủ có 13.000 tấn). Đến cuối cuộc bao vây Khe Sanh, B-52 của Sư đoàn không quân số 3 đã ném xuống gần 60.000 tấn bom với 2548 phi vụ; Tập đoàn không quân số 7 (7th Air Force) bay 22.106 phi vụ, thả 39.000 tấn bom đạn[26], phi công của lực lượng Thủy quân lục chiến đã
Mặc dù đã huy động một số lượng lớn nhân lực, vật lực cho Khe Sanh, song sự lo lắng về số phận của cứ điểm vẫn lơ lửng tại Washington. Vào cuối tháng 1-1968, tướng Westmoreland cảnh báo nếu tình hình tại khu phi quân sự và Khe Sanh trở nên xấu đi, Mỹ cần phải sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc hóa học. Sau đề xuất của Westmoreland, tướng John P.McConnell (người đứng đầu không quân Mỹ) gây sức ép buộc Bộ Tổng tham mưu Mỹ yêu cầu liên quân Thái Bình Dương (Pacific Command) chuẩn bị một kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử nhỏ để ngăn chặn một thất bại mang tính thảm họa đối với căn cứ này; tuy nhiên, yêu cầu của ông ta đã không được xem xét.
3- Bất chấp mưa bom, bão đạn, Quân giải phóng chủ động dẫn dắt các trận đánh, tấn công Huội San, chi khu Cam Lộ, đánh chiếm Làng Vây,... dồn ép đối phương ở khu vực Tà Cơn, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chiến dịch Khe Sanh đã phá tan những cố gắng của chính quyền Lyndon B. Johnson trong việc thuyết phục công chúng Mỹ tin rằng với Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Lúc này, nước Mỹ đang bước vào năm vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Đó là thời điểm rất nhạy cảm trong đời sống chính trị của nước Mỹ, cho nên, bất cứ sự đảo lộn nào trên chiến trường Việt Nam đều gây chấn động mạnh tới tình hình nước Mỹ. Vì thế, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vừa nổ ra đã ngay lập tức thu hút tâm trí của giới lãnh đạo Washington. Michael Maclear, một tác giả Mỹ, sau này bình luận rằng, đạn pháo của chủ lực miền Bắc vừa giội xuống Khe Sanh đã "rơi ngay vào Thủ đô Washington".
Trong khi tâm trí và hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ dồn vào Mặt trận Khe Sanh thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam nổ ra mà hướng chính là nhằm vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đòn tiến công táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt này đã đặt một bộ phận quan trọng quân đội Mỹ bấy giờ đang tập trung ở khu vực rừng núi Khe Sanh vào thế "cá voi mắc cạn". Quân đội Mỹ đã thực sự lọt vào bẫy mà Quân giải phóng đã tính toán cẩn trọng và kỹ lưỡng chăng ra, “như chuột trước nanh rắn, họ chỉ còn cách trơ mắt nhìn căn cứ của mình đang bị đe dọa, với ác mộng Điện Biên Phủ sau gáy - và Nam Việt Nam thì trở thành một miền đất sơ hở không còn được phòng ngự chặt chẽ trước các đội quân du kích của tướng Giáp”[27].
Trong khói lửa ác liệt, những người lính Quân giải phóng vẫn kiên trì trụ bám trận địa, tiến công và đẩy lùi các đợt phản kích, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu, làm thất bại các cuộc hành quân giải toả của Sư đoàn kỵ binh không quân số 1 Mỹ và quân đội Sài Gòn, siết chặt vòng vây quanh căn cứ Tà Cơn, dồn đối phương vào tình thế có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trước tình hình đó, tháng 6 năm 1968, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ rút khỏi Khe Sanh nhằm bảo toàn lực lượng còn lại sau nhiều ngày đêm bị Quân giải phóng vây hãm, tấn công và sau khi đã bị hao tổn 17.000 quân cùng hàng trăm máy bay khiến cho tuyến phòng thủ Đường 9 bị đập vỡ một khâu trọng yếu. "Việc rút lui khỏi Khe Sanh không đơn giản chỉ bỏ rơi một yếu điểm, mà còn là rời bỏ một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ đã tan ra tro như những pháo đài xi-măng cốt sắt ở Khe Sanh"[28]. Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên Hoa Kỳ phải rút bỏ một căn cứ quân sự đặc biệt quan trọng dưới áp lực của đối phương- đó thực sự là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Washington trong toàn bộ cuộc chiến tại Việt Nam. Từ sau chiến thắng Khe Sanh, thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.



[1] Strategic Crossroads at Khe Sanh, www.historynet.com
[2] Shawn P. Callahan (2013), Close Air Support And The Battle For Khe Sanh, CreateSpace Independent Publishing Platform, p.9.
[3] 1 feet= 1 foot = 0,3048 mét (304,8 mm).
[4] Walter J. Boyne (1998), Airpower at Khe Sanh, Air Force Magazine, August.
[5] Walter J. Boyne (1998), Airpower at Khe Sanh, Ibid.
[6] Bernard C. Nalt (2005), Air Power and the Fight for Khe Sanh, University Press of the Pacific , p.20.
[7] The Guns at Khe Sanh, 1968, Argunners Magazine
[8] Bernard C Nalty (2012), Air War Over South Vietnam 1968-1975, Ibid, p.31.
[9] William A. Barry (2007), Air Power in the Siege of Khe Sanh, Vietnam Magazine,  October.
[10] Air Command and Staff College (2014), Air Power and Its Role in the Battles of Khe Sanh and Dien Bien Phu (Defense), CreateSpace Independent Publishing Platform , p.29.
[11] Air Command and Staff College (2014), Air Power and Its Role in the Battles of Khe Sanh and Dien Bien Phu (Defense), Ibid, p.29
[12] Bernard C. Nalt (2005), Air Power and the Fight for Khe Sanh, Ibid, p.19.
[13] Shawn P. Callahan (2013), Close Air Support And The Battle For Khe Sanh, Ibid , p.9.
[14] Air Command and Staff College (2014), Air Power and Its Role in the Battles of Khe Sanh and Dien Bien Phu (Defense), Ibid, p.20.
[15] Message from CINCPAC to JCS, dated 082145Z April 1968, Subj: Weather Effects on Operations, p.2.
[16] Raphael Littauer and Norman Uphoff, editors (1972), The Air War in Indochina, Beacon Press, Boston, p.54.
[17] B-52 được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh. Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9–10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km².
[18] Maxwell D. Taylor, Gen(Ret (1972), Oral History of the US Air Force, USAF, Wash DC, p.43.
[19] Bernard C Nalty (2012), Air War Over South Vietnam 1968-1975, CreateSpace Independent Publishing Platform, p.27.
[20] Paul William Vowell (2006 ), A critical analysis of the conduct of the battle for Khe Sanh by the forces of the United States of America and the Peoples Army of Vietnam, Theses and Dissertations, Massey University, p.81.
[21] Bernard C. Nalt (2005), Air Power and the Fight for Khe Sanh, Ibid, p.35
[22] Walter J. Boyne (1998), The North Vietnamese thought it was Dien Bien Phuall over again. They thought wrong, Air Force Magazine, August, p.88.
[23] Jacob Van Staaveren (1970), The Air force in Southeast Asia toward a bombing halt 1968, Office of Air Force History, p.10.
[24]  Gordan L Rottman (2002), Osprey Campaign 150: The Khe Sanh 1967-68,  Osprey Publishing, p. 10.
[25]  Gordan L Rottman (2002), Osprey Campaign 150: The Khe Sanh 1967-68, Ibid, p. 10.
[26] Air Command and Staff College (2014), Air Power and Its Role in the Battles of Khe Sanh and Dien Bien Phu (Defense), Ibid, p.22.
[27] J. Pimlott (1990), Việt Nam - Những trận đánh quyết định (Vietnam the Decisive Battles), Nxb. Mac Millan, New York (Bản dịch của Trung tâm Khoa học, công nghệ, môi trường - Bộ Quốc phòng), tr.114.
[28] Bình luận của đài phát thanh BBC, ngày 30-6-1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!